Thị trường hàng hóa
Ông Kazuo Inamori là một tỷ phú nổi tiếng của Nhật Bản. Ông là người sáng lập tập đoàn Kyocera vào năm 27 tuổi. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Kazuo Inamori, chỉ 10 năm sau đó, Kyocera lọt vào danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới.
Không dừng lại ở đó, ở tuổi 52, Kazuo Inamori bắt đầu “khởi nghiệp” ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện thoại di động. Công ty thứ hai của ông với tên KDDI ra đời. Đến năm 2007, công ty này lại được xếp trong top 500 công ty lớn nhất thế giới. Điều này giúp tỷ phú Inamori Kazuo trở thành người duy nhất trên thế giới sở hữu hai công ty lọt top 500 công ty hàng đầu thế giới, tính đến thời điểm hiện tại.
Năm 77 tuổi, Kazuo Inamori nắm quyền lãnh đạo Japan Airlines sau khi hãng hàng không hàng đầu này phá sản vào năm 2010. Mặc dù không có nhiều kinh nghiệm trong ngành hàng không, nhưng với tài lãnh đạo của mình, Kazuo Inamori đã giúp hãng hàng không này bắt đầu có lãi trở lại, thậm chí còn lên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo.
Với những gì đã làm được, Kazuo Inamori thật sự trở thành một doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn trong giới doanh nhân của Nhật Bản. Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách và chúng đều được đón nhận rộng rãi. Đối tượng đọc sách của ông đa dạng, trong đó có cả những doanh nhân đã thành đạt như Shigehisa Murakami, giám đốc điều hành của công ty tư vấn tài chính Fine Deals. Anh cho biết, những cuốn sách và triết lý của Kazuo Inamori đã truyền cảm hứng cho nhiều người, trong đó có anh.
Trong nhiều thập kỷ qua, tỷ phú Kazuo Inamori được đánh giá là người có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các doanh nhân Nhật Bản. Vị tỷ phú sinh năm 1932 này nổi tiếng với triết lý lãnh đạo đặc biệt của mình: Ưu tiên nhu cầu của nhân viên hơn nhu cầu của cổ đông. Dù cổ đông là những người nắm giữ vị trí quan trọng trong công ty, nhưng theo tỷ phú Kazuo Inamori, nhu cầu của họ phải được xếp sau nhu cầu của nhân viên.
Triết lý này của tỷ phú Kazuo Inamori không chỉ giúp ích cho chính bản thân ông, mà còn tạo động lực lớn để công ty của ông phát triển mạnh mẽ. Theo quan điểm của tỷ phú Kazuo Inamori, các công ty nên trao cho nhân viên nhiều quyền tự chủ hơn và để những hiểu biết sâu sắc của họ về nhu cầu thị trường đang thay đổi sẽ điều hướng kinh doanh.
Chính cách tư duy này của Kazuo Inamori đã giúp tập đoàn của ông là Kyocera phát triển vượt bậc, theo nhiều hướng khác nhau, trở thành doanh nghiệp sở hữu công nghệ tiên phong trong các thiết bị bán dẫn điện, pin mặt trời.
Trong một lần trả lời phỏng vấn với Bloomberg hồi năm 2015, tỷ phú Kazuo Inamori nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo công ty không ở đó để làm việc vì cổ đông, mà để làm cho nhân viên hạnh phúc”. Trong công ty của mình, tỷ phú Kazuo Inamori luôn đặt quyền lợi và nhu cầu của nhân viên lên hàng đầu.
Một trong những lý do khiến Kazuo Inamori trở thành ông chủ đáng nể, đó là vì ông luôn quan tâm đến việc thúc đẩy các nguyên tắc cạnh tranh công bằng, sự minh bạch trong quản lý. Có 6 nguyên tắc được Kazuo Inamori áp dụng hàng ngày, bao gồm: nỗ lực hết mình, khiêm tốn, suy ngẫm mỗi ngày, biết ơn cuộc sống, làm việc thiện và không ngừng giúp đỡ người khác, không đắm chìm trong quá khứ. Những nguyên tắc này của Kazuo Inamori cũng được các nhân viên trong công ty học hỏi và áp dụng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm