Thị trường hàng hóa
Triển lãm tranh "Nhà văn Hữu Ước và sắc màu” trưng bày 100 tác phẩm hội họa chất lượng, được tạo lên bằng chất liệu sơn dầu và acrylic trên toan và tác phẩm điều khắc được trưng bày tại triển lãm với chủ đề 3 câu chuyện: Thế sự, phong cảnh và hoa. Trong đó, có tác phẩm đầu tay "Vòng xoáy" vẽ lúc ông viết kịch bản sân khấu Vòng xoáy, và đặc biệt là những tác phẩm ông vẽ trong 10 năm lao động "không ngừng nghỉ" vừa qua.
Chia sẻ về ý nghĩa mở buổi Triển lãm tranh "Nhà văn Hữu Ước và sắc màu”, ông cho biết: "Tôi mở buổi triển lãm này có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là tôi bước sang tuổi 70. Tuổi 70 là một dấu mốc rất quan trọng của một con người".
"Thứ hai, triển lãm này cũng là dịp kỉ niệm 50 năm tôi cầm bút, dù lúc đó tôi đang ở chiến trường tới năm 1972 mới chính thức viết tin, viết chuyện ngắn và ký. Khi đó, chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, bảo vệ các binh trạm cứu thương để đánh biệt kích. Đây cũng là thời điểm tôi bắt đầu cầm bút viết lên tờ báo đầu tiên, tác phẩm nửa báo nửa tin phản ánh về việc kết nạp Đảng ở chiến trường đăng trên báo Quân đội. Cũng từ đó mà tôi bắt đầu cầm súng, cầm bút, và đây là dấu mốc rất quan trọng trong cuộc đời của tôi", ông nói thêm.
Nhà văn Hữu Ước nhấn mạnh, giai đoạn thứ 2 sau giải phóng là thời điểm ông gắn bó với báo chí từ đó. Nhà văn Hữu Ước cũng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Tổng Biên tập (TBT) Báo Công an nhân dân, An ninh thế giới, Văn nghệ Công An, Cảnh sát toàn cầu, truyền hình Công an nhân dân (An ninh TV).
Đặc biệt, dấu mốc quan trọng tiếp theo là việc cầm bay, cầm cọ để vẽ nên những tác phẩm hội họa đặc sắc. Trong 20 năm, nhà văn, họa sĩ Hữu Ước đã vẽ khoảng 400 bức tranh, ấn hành 2 bộ tiểu thuyết: Kiếp người (3 tập) và Suối cọp, 3 vở kịch, 2 tập thơ Gió hoang và Mùi lửa, làm 1 đêm nhạc.
Mỗi bức tranh nhà văn Hữu Ước đều gửi gắm suy tư về cuộc sống, trăn trở trong cuộc đời của mình, những nỗi lòng mà nhiều khi văn chương không thể nói hết được. Nhà Hữu Ước lấy ví dụ bằng bức họa “Trái tim tôi”, tác giả vẽ về trái tim chính mình - một trái tim "bầm dập" vì cuộc đời có vô vàn sóng gió. Hay bức tranh “Vũ điệu quỷ và người” nói về cái xấu cái tốt cùng tồn tại trong mỗi con người. Hay bức “Nước chảy đá mòn” ông muốn nói về sức mạnh của nước, chính là sức mạnh của nhân dân…
Tác giả Hữu Ước cho biết, con người ta ai cũng phải có những dấu mốc đáng nhớ, kỉ niệm, hoài ức và số phận. Do vậy, đây là dịp phù hợp để mở Triển lãm tranh về cuộc đời mình. Nhà văn Hữu Ước cho biết lý do treo 100 bức tranh tại triển lãm, ông nói: "Đầu tiên tôi định treo 70 bức tranh để kỉ niệm tôi tròn 70 tuổi, nhưng khi tranh vẽ vẫn còn nhiều nên tôi quyết định treo thêm 30 bức để tròn 100 bức do cũng vừa đủ không gian triển lãm".
Nói về đề tài mà ông vẽ nhiều nhất, mang nặng tâm trạng nhất có lẽ là đề tài về Trường Sơn. Bởi vì nhà văn Hữu Ước từng đi lính từ rất sớm và gắn bó với mưa bom, lửa đạn và núi rừng nên ông rất thích vẽ về phong cảnh để hoài niệm lại kỉ niệm thời bộ đội. Vì thế, nhiều người cho rằng đây là chủ đề mà ông thành công hơn cả. Ngoài các bức họa, điểm nhấn trong không gian triển lãm tranh chính là tác phẩm điêu khắc có tên "Người lính" - chân dung người lính mà cũng có thể là tự họa, tự khắc mình.
Một số tác phẩm tranh của nhà văn Hữu Ước
Họa sĩ Lê Thiết Cương - người đồng nghiệp, người bạn thân thiết của nhà văn Hữu Ước cho biết: "Phong cách vẽ tranh của nhà văn Hữu Ước đậm chất lính, các bức họa được tạo lập bởi nhiều hồi ức, hoài niệm về chiến tranh bằng nhiều gam màu khác nhau. Khi thì sử dụng gam màu xanh biếc để mô tả núi từng, lúc lại rừng rực đỏ cháy bởi mưa bom bão đạn nơi đường Trường Sơn huyền thoại mà chính tác giả từng sống, cùng đồng đội chiến đấu nhiều năm. Những bức tranh được đặt những tên gọi như: “Chiều Trường Sơn”, “Vận chuyện hàng vào Nam”, “Đường Trường Sơn thời chiến” hay như “Lính trinh sát”…
Chiến tranh đã kết thúc, đất nước đi vào thống nhất, ông về với hòa bình, trở thành nhà báo, nhà văn khoác áo lính. Công việc đã đưa ông đến nhiều vùng miền. Trong hòa bình có cả niềm vui và hạnh phúc, nhưng cũng luôn có những khó khăn riêng trong lòng mỗi người".
Trong không gian Triển lãm tranh tại số 42 Yết Kiêu (Hà Nội), những người đam mê hội họa, yêu mến nhà văn, họa sĩ Hữu Ước bởi nét vẽ điêu luyện, đầy màu sắc như đắm mình vào không gian màu nổi bật. Ở đó, bằng bút pháp tự do và đầy nội lực, nhưng cũng không kém phần góc cạnh.
Trong những bức tranh của nhà văn Hữu Ước, cảm hứng được thể hiện đậm đà trên mặt toan, như khắc họa thêm về một con đường “màu sắc” trong chính tác giả. Đó không phải là con đường đi mà là con đường trở về với bản thân của mình một cách đầy lắng đọng và xúc cảm.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm