Thị trường hàng hóa
Phát biểu tại “Cuộc họp triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với một số hoạt động kinh doanh, cung cấp hàng hóa dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng”, chiều 3/2, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, triển khai loại hình này sẽ tiến tới không khoán thu mà bàn giải pháp thu
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, việc họp triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với một số hoạt động kinh doanh, cung cấp hàng hóa dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng đang có chế độ mở, động viên khuyến khích chứ chưa bắt buộc.
“Bởi vậy, phải đảm bảo đáp ứng được điều đó, hoặc là chúng ta không khoán thu nữa. Danh mục đã có, chúng ta bàn giải pháp thu. Đối với đề án không dùng tiền mặt, phía ngân hàng đã đặt ra rất nhiều lộ trình.
Là công cụ cho các cơ quan Nhà nước, cá nhân và tập thể thực hiện nhiệm vụ thuế, chúng ta phải tính đến tiêu chuẩn và lưu hành đối với máy thanh toán cho đúng tiêu chuẩn bảo mật, hiệu quả, không bị thất thoát, đảm bảo được dữ liệu”, ông Ngọc nói.
Theo ông Ngọc, việc xử lý hành chính trong việc chấp hành thực hiện giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với một số hoạt động kinh doanh, cung cấp hàng hóa dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng phải đảm bảo đúng quy định.
Làm sao để nghĩa vụ thuế đúng đủ, động viên được người tham gia thuế. Ví dụ, đối với thuế thu nhập cá nhân, chưa phải mọi người đã đồng tình hoàn toàn, chúng ta phải rà soát lại.
Đặc biệt, chương trình Bộ Tài chính mong muốn là gắn mã số thuế cá nhân vào căn cước công dân gắp chíp điện tử, tất cả các công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài đến làm việc, sinh sống ở Việt Nam đều phải có mã thuế.
“Chúng ta phải tính toán thẩm định thời điểm nào cấp, cấp luôn mã thuế cá nhân chứ không phải chờ đăng ký. Khi sinh ra, mỗi con người đã được cấp ngay mã số thuế. Phía ngân hàng hết sức lưu ý cùng Bộ Tài chính để đảm bảo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tham gia nghĩa vụ thuế thuận lợi”, ông Ngọc khuyến nghị.
Đồng thời, ông Ngọc cho rằng, các cơ quan chức năng cần sẵn sàng kết nối các dữ liệu. Ở đây còn liên quan đến dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nơi quản lý dữ liệu của doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng với đó là dữ liệu thuế, dữ liệu dân cư.
Tổng cục Thuế đã đề nghị xác thực sớm đảm bảo mỗi người dân có mã thuế định danh kịp thời, quản lý kết nối chia sẻ thuận lợi. Kết nối là vấn đề quan trọng của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), các bộ ngành đang nâng cấp giải pháp công nghệ và bảo mật, tiếp tục bổ sung dữ liệu.
Để đảm bảo cho việc định danh mã số thuế cá nhân, cần chia làm 3 nhóm dữ liệu: Dữ liệu phát sinh hàng ngày, dữ liệu đã yên tâm xác thực rồi thì đưa vào bổ sung dữ liệu. Còn nhóm dữ liệu chưa được xác minh chắc chắn thì tiếp tục thực hiện lộ trình xác thực.
Kho dữ liệu thuế sẽ tương ứng với kho dữ liệu của doanh nghiệp, lúc đó, dữ liệu thuế sẽ xác định cùng dữ liệu dân cư, tiến tới các cơ quan quản lý thuận lợi, chống được tối đa thất thu thuế.
“Điều quan trọng là phải tìm giải pháp bịt các lỗ hổng để chúng ta định danh mã số thuế. Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, đặt ra lộ trình cụ thể, rút kinh nghiệm thường xuyên. Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ để cùng Bộ Tài chính xây dựng lộ trình để tuyên truyền, đấu tranh phòng ngừa và xử lý đối với trường hợp vi phạm thất thu thuế”, ông Ngọc nhấn mạnh.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm