Thị trường hàng hóa
Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC) là chương trình hiện thực hóa tầm nhìn của Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN) nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới. Qua đó, giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.
Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Chương trình) với chủ đề “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) chinh phục thị trường toàn cầu”. Chương trình hướng đến mục tiêu là sân chơi trí tuệ, hội tụ các nguồn lực để cùng hợp tác, tạo ra những ý tưởng đột phá.
Cùng với đó, tận dụng tiềm năng, nắm bắt cơ hội của ngành công nghiệp bán dẫn và AI, giúp các doanh nghiệp đạt được những thành công mới. Góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Phát biểu tại buổi Họp báo công bố Chương trình, chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Chương trình bám sát vào bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của AI, chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Chương trình đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Việt Nam.
“Chương trình không chỉ cho thấy tầm nhìn và sự ủng hộ rất lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy hai lĩnh vực tiềm năng này mà còn góp phần hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược Chính phủ đặt ra”, ông Đông nhấn mạnh.
Theo ông Rafael Frankel - Giám đốc chính sách công khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Meta, Meta tự hào là đối tác tin cậy của Việt Nam. Tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm tập đoàn tại Thung lũng Silicon và trải nghiệm các công nghệ mới nhất tại Meta.
“Chúng tôi mong muốn cùng Chương trình tạo ra một sân chơi trí tuệ nhằm thúc đẩy các ý tưởng và tận dụng các cơ hội trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Sáng kiến này sẽ góp phần tăng cường tính hội nhập của lĩnh vực công nghệ của Việt Nam trong nền kinh tế số toàn cầu”, ông Rafael Frankel chia sẻ.
Chương trình diễn ra với 2 chủ đề trụ cột. Đó là tìm kiếm và vinh danh các giải pháp nâng cao chất lượng công đoạn thiết kế, đóng gói trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn, với ưu tiên ứng dụng phục vụ lĩnh vực AI. Đồng thời, tìm kiếm và vinh danh các giải pháp ứng dụng công nghệ AI phục vụ cho xây dựng, phát triển doanh nghiệp, gia tăng năng suất công việc.
Chương trình hướng đến thúc đẩy tư duy hợp tác, thu hút nguồn lực, xây dựng nền tảng hợp tác đa phương để thiết lập bệ phóng cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thông qua việc tìm kiếm và vinh danh các giải pháp, Chương trình sẽ đóng góp vào mục tiêu chung lan tỏa nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn và AI.
Bên cạnh đó, khuyến nghị và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các giải pháp phục vụ nâng cấp cải tiến vận hành doanh nghiệp, cải thiện hiệu suất. Góp phần phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường thế giới.
Về cấu trúc, Chương trình bao gồm 3 nhóm: nhóm doanh nghiệp lớn đổi mới sáng tạo; nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo; nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startups). Chương trình sẽ kéo dài tới tháng 10/2024.
Các cá nhân, đơn vị có giải pháp xuất sắc được lựa chọn sẽ có cơ hội giới thiệu giải pháp và hợp tác với các tập đoàn; nhận được cam kết đầu tư đến từ các quỹ đầu tư, các tập đoàn đầu ngành trong nước và quốc tế. Được kết nối, gia nhập hệ sinh thái của NIC và Meta cùng các gói hỗ trợ, nâng cao năng lực, có cơ hội xúc tiến thương mại và nhiều giải thưởng khác.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm