Thị trường hàng hóa
Kết thúc năm 2019, Việt Nam chỉ có 2 tỷ phú đô la. Đó là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (214.496 tỷ đồng, xấp xỉ 9,2 tỷ USD) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet (30.554 tỷ đồng, xấp xỉ 1,3 tỷ USD).
Đại dịch Covid-19 quét qua khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đón chào thêm 4 tỷ phú đô la nữa.
Đó là ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (32.070 tỷ đồng, xấp xỉ 1,4 tỷ USD), ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank (28.182 tỷ đồng, xấp xỉ 1,19 tỷ USD), ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (27.848 tỷ đồng, xấp xỉ 1,18 tỷ USD) và ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tập HĐQT Sunshine Group (27.735 tỷ đồng, xấp xỉ 1,17 tỷ USD).
Đại gia sản xuất
Thị trường ngày càng ghi nhận sự giàu lên của những đại gia sản xuất. Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Dần 2022, top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam “điểm danh” 3 đại gia sản xuất. Và đó đều là những gương mặt mới (so với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19).
3 đại gia sản xuất này là ông Trần Đình Long, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang. Trong đó, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát là đại diện duy nhất “thuần sản xuất”.
Hai cái tên còn lại là ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang đều là đại diện cho những đại gia đa ngành, bao gồm sản xuất (Masan) và ngân hàng (Techcombank). Dù là đa ngành nhưng sản xuất cũng đóng góp lớn vào tài sản của hai doanh nhân liên quan tới Đông Âu.
Thời gian qua, cổ phiếu HPG của Hòa Phát trải qua rất nhiều thăng trầm, khi thì leo lên đỉnh, lúc thì xuống dốc. Thế nhưng, so với trước đại dịch Covid-19, HPG đã bứt phá rất mạnh.
Chốt năm Nhâm Dần 2022, HPG dừng ở mức 21.150 đồng/CP, tăng 10.450 đồng/CP, tương đương 97,7% so với phiên cuối cùng của năm 2019. Nhờ đó, giá trị cổ phiếu thuộc sở hữu của ông Trần Đình Long tăng vọt từ 16.449 tỷ đồng lên 32.070 tỷ đồng. Nhờ đó, ông Long đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng.
Như vậy, theo thị giá cổ phiếu HPG, ông Trần Đình Long có 1,4 tỷ USD nhưng theo thống kê của Forbes, khối tài sản của ông Long trị giá đến 1,8 tỷ USD.
Đại gia đa ngành
Như đã nêu trên, cả ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang đều có thể coi là đại gia sản xuất, cũng có thể là đại gia ngân hàng và cũng có thể là đại gia nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, danh xứng đúng nhất cho hai vị tỷ phú này là đại gia đa ngành.
Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang đứng ở vị trí thứ 3 và thứ 4 trong danh sách Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng và ông Trần Đình Long.
Không quá thăng trầm như HPG nhưng cổ phiếu MSN của Masan cũng trải qua hành trình nhiều niềm vui nỗi buồn. Nhưng tính chung lại, niềm vui vẫn nhiều hơn vì sau 3 năm đại dịch, MSN tăng 56.280 đồng/CP, tương đương 123% lên 102.000 đồng/CP.
Cổ phiếu TCB của Techcombank cũng tăng trưởng dương trong thời gian này dù đà đi lên khá khiêm tốn. Sau 3 năm đại dịch, TCB tăng 5.550 đồng/CP, tương đương 23,6%.
TCB và MSN giúp khối tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang tăng từ 14.898 tỷ đồng lên 28.182 tỷ đồng và từ 14.472 tỷ đồng lên 27.848 tỷ đồng.
Theo thị giá cổ phiếu TCB và MSN, khối tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang đạt 1,19 tỷ USD và 1,18 tỷ USD. Còn theo Forbes, hai tỷ phú sở hữu khối tài sản trị giá 1,8 tỷ USD và 1,6 tỷ USD.
Đại gia bất động sản
Trong danh sách các tỷ phú đô la của Việt Nam (tính theo thị trường chứng khoán Việt Nam), ngành bất động sản có hai đại diện là ông Phạm Nhật Vượng và “gương mặt mới” Đỗ Anh Tuấn.
Ông Đỗ Anh Tuấn được biết đến là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunshine. Đóng góp lớn nhất vào tài sản của ông Tuấn là cổ phiếu SSH - Sunshine Homes (16.673 tỷ đồng), KSF - KSFinance (10.284 tỷ đồng) và SCG - Tập đoàn Xây dựng SCG (558 tỷ đồng).
Tất cả các cổ phiếu này đều niêm yết sau năm 2019. Kể từ mức giá chào sàn, cả SSH, KSF và SCG đều có bước tiến mạnh.
Chốt năm Nhâm Dần 2022, SSH dừng ở mức 68.400 đồng/CP, tăng 46.800 đồng/CP, tương đương 217% so với giá chào sàn; KSF tăng 27.200 đồng/CP, tương đương 75,6% lên 63.200 đồng/CP; SCG tăng 7.500 đồng/CP, tương đương 12,9%.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm