Thị trường hàng hóa
Ngày 24/1/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo xin ý kiến đối với dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp logistics và các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Đưa dịch vụ logistics trở thành một ngành kinh tế quan trọng
Logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics, nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi cho vận tải quốc tế,...
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
Nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả to lớn của logistics, Đảng và Chính phủ đã chú trọng vào việc xây dựng và phát triển dịch vụ logistics trên cơ sở tận dụng các lợi thế, cơ hội và đưa dịch vụ logistics trở thành một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế quốc dân: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 nêu rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục - đào tạo, viễn thông và công nghệ thông tin, logistics và vận tải phân phối”; Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam
Thực hiện Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, các hiệp hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thông tin về dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Mục tiêu năm 2030 là tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6% - 8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên. Mục tiêu đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12% - 15%, tỷ lệ thuê ngoài đạt 70% - 90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10% - 12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.
Các nhóm nhiệm vụ lớn được nêu ra tại Chiến lược bao gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics.
Thứ hai, đổi mới quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Thứ ba, phát triển thị trường logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết vùng kinh tế, hành lang kinh tế, khu vực và quốc tế bảo đảm tăng trưởng bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng và xanh hóa các hoạt động dịch vụ logistics dựa trên nền tảng số.
Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics.
Thứ năm, đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ logistics chất lượng cao và phong cách cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển logistics ở cả Trung ương và địa phương.
Thứ bảy, nâng cao vai trò của các hiệp hội trong lĩnh vực logistics và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng hiện đại, phát triển các dịch vụ logistics giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia đã tập trung đóng góp ý kiến về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cùng với những mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời đề xuất những giải pháp, kiến nghị cùng với những nhiệm vụ, đề án, dự án triển khai tương ứng liên quan.
TS. Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng cần quan tâm xây dựng bộ ba chiến lược: cảng trung chuyển quốc tế - khu thương mại tự do - đội tàu biển container quốc tế, đội tàu bay chở hàng; chú trọng nền tảng thông tin, nền tảng công nghệ và vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp...
Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) nhận định: Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phản ánh hầu hết những vấn đề cần giải quyết để gỡ các nút thắt hiện nay cho hoạt động logistics phát triển và đáp ứng kỳ vọng của toàn xã hội, đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế.
Nội dung Dự thảo Chiến lược đã chú trọng gắn hoạt động logistics với sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng, xác định logistics là yếu tố then chốt để kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Chiến lược cũng đề cao yếu tố nguồn nhân lực logistics, coi đây là một trong bảy yếu tố quan trọng để phát triển logistics Việt Nam.
Về các mục tiêu cụ thể, Chiến lược đã lượng hóa các con số cụ thể cho từng mục tiêu và đây vừa là thách thức, vừa là động lực cho quá trình triển khai Chiến lược sau này.
"Về các giải pháp để hiện thực hóa các tầm nhìn và mục tiêu, Chiến lược đã đề cập cân bằng giữa hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cho ngành logistics bao gồm các vấn đề liên quan đến thể chế chính sách cũng như phát triển hạ tầng cứng cho hoạt động logistics như quy hoạch kho bãi, bến cảng, trung tâm logistics và hệ thống cảng cạn quốc gia", ông Nghĩa đánh giá.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Hiệp hội Logistics Hà Nội kiến nghị Chiến lược cần xác định vai trò của các địa phương là nơi phối hợp với các Bộ ngành tổ chức thực hiện Chiến lược, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất (xây dựng cảng, trung tâm logistics, depot...); xác định vai trò của các hiệp hội logistics trong công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng logistics; đồng thời chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ra thị trường nước ngoài; hỗ trợ kết nối với các hiệp hội, doanh nghiệp các nước...
Các chuyên gia cũng đề xuất cần có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics, chú trọng hợp tác công - tư, sự tham gia của khu vực tư nhân. Dự thảo Chiến lược cần làm rõ thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kèm theo điều kiện để được hỗ trợ...
Các tổ chức, cá nhân quan tâm có thể tìm hiểu toàn bộ Hồ sơ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và các văn bản liên quan tại địa chỉ http://bit. Iy/chienluoclogistics. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tiếp nhận các ý kiến đóng góp cho dự thảo Chiến lược trước khi tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4 năm 2024.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm