Thị trường hàng hóa
Cô đơn ở nơi bắt đầu
Ngoại trừ những bạn là “con nhà nòi” sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh và là người được “quy hoạch” kế thừa sự nghiệp của gia đình, còn lại thì ngay từ lúc bạn chọn kinh doanh để khởi nghiệp, liền tức thì nỗi cô đơn sẽ ập đến với bạn. Nhất là khi bạn đang có một công việc ổn định ngày tám tiếng nơi công sở hoặc mức lương hàng ngàn đô la trong một công ty nước ngoài. Bạn sẽ phải một mình chống đỡ với lắm “thị phi”, dè bỉu xung quanh.
Trước hết là nỗi lo lắng, hoài nghi của bố mẹ, anh chị em có khi cả họ hàng, bè bạn thậm chí cả người yêu của bạn. Có thể trong con mắt họ, quyết định của bạn là điên rồ là “tào lao”. Không ai hiểu và chia sẻ với bạn. Khi đó, sự lẻ loi đơn độc trên hành trình khởi nghiệp chính là nỗi cô đơn đầu tiên mà bạn phải hứng chịu khi tìm kiếm cho mình một chỗ đứng trong giới doanh nhân.
Cảm giác bắt đầu từ con số 0, dò dẫm, tròng trành như con thuyền đi trong sương đêm, chỉ chực đâm sầm vào bãi cạn; Cảm giác đối diện với những ánh mắt nghi ngờ, thương hại; Cảm giác bị những tiếng xì xầm bàn tán đuổi theo sau lưng; Cảm giác trước mặt là một khoảng không bao la vô định … Những thứ cảm giác ấy chỉ có những người trẻ vừa tập tễnh vào đời quyết định đặt chân vào thương trường mới cảm nhận hết.
Có một thử thách lớn lao mà bạn phải đượng đầu, nó như một thứ “tác dụng phụ” khi bạn chọn con đường kinh doanh để khởi nghiệp. Đó là sự thất bại. Khởi nghiệp và thất bại chính là hai mặt của một vần đề. Không may rơi vào thất bại, nỗi cô đơn càng chồng chất lên bạn, nó như một thứ dây leo quấn riết khiến bạn đuối sức và tuyệt vọng.
Bạn sẽ phải gánh chịu nỗi đau một mình, không thể nói được, không thể chia sẻ với ai. Với gia đình càng không dám hé nửa lời nếu bạn không muốn nghe những câu cảm thán đại khái như: Đã bảo rồi mà, có nghe đâu, cứ thấy người ta ăn khoai vác mai mà chạy, tưởng dễ ăn lắm í… bla, bla, bla… “Thất bại, mất tiền là chuyện bình thường, cô đơn mới là nỗi đau lớn nhất” - Shark Phạm Thanh Hưng - Phó chủ tịch HĐQT Cenland từng chia sẻ.
Vẫn cô đơn trên đỉnh vinh quang
Bạn sẽ phải chịu đựng nỗi cô đơn thất bại trong một thời gian dài cho đến khi chạm đến một thành công mới. Nhưng kể cả khi bạn thành công ngay từ bước đầu, kể cả khi bạn trở thành một doanh nhân thành đạt, cô đơn vẫn không buông bỏ bạn. Trên đỉnh vinh quang bạn sẽ vẫn đối mặt với cô đơn, theo một cách khác, trong những tình huống khác.
Một ngày làm việc gần 20 tiếng, đối đầu với cạnh tranh, với ganh ghét, đố kỵ, thị phi; Vật lộn với tư duy để đẻ ra các chiến lược kinh doanh, vắt giò chạy đua với doanh số; Tới kỳ lương, chạy bở cả hơi tai, chưa kể phải tính toán các khoản tài chính sử dụng cho sản xuất kinh doanh, lãi ngân hàng, đáo hạn ngân hàng… Trong quá trình điều hành, yếu tố con người chi phối tình cảm, cách đối đãi, chế độ an sinh xã hội cho người lao động, đầu tư phát triển doanh nghiệp… không ai chia sẻ được. Nỗi cô đơn càng dữ dội hơn nếu không may chồng/vợ bạn không hiểu và không cùng gánh vác với bạn.
Cô đơn là bạn đồng hành không mong muốn của sự thành công. Khi ở đỉnh cao của sự thành công, bạn sẽ bị bao vây bởi những mối quan hệ. Những mối quan hệ mà ở đó người ta đối đãi với bạn một cách “thảo mai” vì công việc là chính, thiếu chân thành sẽ đẩy bạn vào sự cô đơn.
Với những doanh nhân trên cương vị lãnh đạo, nỗi cô đơn của họ còn xuất phát từ tâm lý muốn trở thành một người hoàn hảo, có xu hướng che giấu những điểm yếu của mình, để làm gương cho thuộc cấp.Theo một nghiên cứu có tên Snapshot Survey được thực hiện bởi tạp chí Harvard Business Review (2012), hơn một nửa số Giám đốc điều hành (CEO) thừa nhận đã từng trải qua cảm giác cô đơn trên cương vị một người lãnh đạo.
Mới nói, cô đơn là “một phần tất yếu” của doanh nhân cho dù bạn mới bắt đầu khởi nghiệp hay đang trên đỉnh cao của sự thành đạt. Hiểu được nỗi cô đơn của một doanh nhân cũng là một cách chia sẻ tâm tư và chúc mừng họ nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm