Thị trường hàng hóa
Sản xuất cải thiện do nhu cầu của thị trường
S&P Global vừa công bố báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 02/2023, trong đó, có 3 điểm nhấn nổi bật: Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng trở lại; Thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn tháng thứ hai liên tiếp; Chi phí tăng đạt mức cao của 8 tháng.
Theo đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 47,4 điểm trong tháng 1/2023, tăng so với mức 46,4 điểm trong tháng 12/2023. Tuy nhiên, sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài ba tháng.
Cụ thể, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm vào tháng 2/2023 (từ mức 47,4 điểm trong tháng 1/2023 lên mức 51,2 điểm). Điều này cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 2/2023 đã ghi nhận tăng trưởng trở lại khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại với sự hỗ trợ của tình trạng tăng sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng.
Trong khi đó, báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất công nghiệp tháng 2/2023 ước tính tăng 5,1% so với tháng trước do số ngày làm việc nhiều hơn và người lao động đã quay trở lại làm việc trong doanh nghiệp. So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tháng 2/2023 tăng 3,6%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 7%; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6%
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, Ichỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,6%) do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.
Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất đồ uống tăng 32,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 20%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 6,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 6,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,3%; khai thác quặng kim loại tăng 4,2%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 44 địa phương và giảm ở 19 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Tuyên Quang tăng 26,3%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hải Dương và Phú Thọ tăng 14,3%; Kon Tum tăng 13,4%; Bắc Giang tăng 11,9%; An Giang tăng 11,8%; Hậu Giang tăng 8,9%.
Theo Bộ Công Thương, sự sụt giảm của chỉ số công nghiệp 2 tháng đầu năm có nguyên nhân khách quan từ việc sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm. Sự thiếu hỗ trợ giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất hay liên kết giữa thị trường nội địa và khu vực sản xuất yếu. Các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
Đặc biệt, sức ép lạm phát, lãi suất gia tăng cũng đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ, đơn cử như ô tô.
Thúc đẩy sản xuất công nghiệp tạo đà cho những tháng tiếp theo
Theo Bộ Công Thương, thời gian tới cần chủ động các giải pháp bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Cùng với việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án của ngành Công Thương, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ tập trung tạo điều kiện thuận lợi để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành, đặc biệt là các dự án liên quan đến khai thác, chế biến khoáng sản, quy mô lớn các dự án thép tại Nam Định, Bình Định và Phú Yên.
Đồng thời, triển khai hiệu quả sau khi Quy hoạch khoáng sản được phê duyệt để nhằm tạo thêm nguồn lực mới và đồng thời tập trung phát triển công nghiệp vật liệu phục vụ cho chính công nghệ sản xuất, chế biến, chế tạo trong nước.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nhìn nhận, có một số nút thắt cần sớm được tháo gỡ để phát triển công nghiệp, có thể kể đến 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: thị trường, công nghệ và vốn, tín dụng.
Thực tế cho thấy, dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế đối với các sản phẩm công nghiệp, trong khi đó thị trường xuất khẩu phải chịu sự cạnh tranh gay gắt đặc biệt từ các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ...
“Do đó, cần tập trung nguồn lực Nhà nước để phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước, nâng cao giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa, từ đó mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam” - ông Ngô Khải Hoàn nêu.
Dù vậy, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư đang là cơ hội cho Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các ngành sản xuất công nghệ cao đang hướng về khu vực các nước châu Á. Các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất. Một số dự án lớn về hạ tầng, công nghiệp dự kiến sẽ được khởi động và tiến hành trong cuối 2022 và năm 2023 sẽ là các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng đáng kể cho các ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành; bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, phát triển bền vững sản xuất.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu; xây dựng chương trình hỗ trợ, hợp tác đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm