Thị trường hàng hóa
Từ cuối tháng 11/2021, lần lượt các doanh nghiệp viễn thông di động MobiFone, VinaPhone, Viettel đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thí điểm dịch vụ Mobile Money trong 2 năm.
Nếu như trước đây chỉ những người có tài khoản ngân hàng mới dùng được ví điện tử thì với Mobile Money, những người không có tài khoản ngân hàng vẫn sử dụng được. Mobile Money sẽ mở rộng đối tượng khách hàng tham gia thanh toán điện tử; rất tiện lợi cho thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ như tiền điện, tiền nước hay hàng hóa mệnh giá thấp.
Mobile Money triển khai trên nền tảng công nghệ cao, có phạm vi áp dụng trên toàn quốc, sẽ có số lượng người dùng lớn, yêu cầu cao về an ninh, an toàn bảo mật dịch vụ và dữ liệu người dùng. Khác với ví điện tử, Mobile Money không cần có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ và cũng không phải liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng. Bởi vậy, việc xác thực thông tin thuê bao, định danh khách hàng là yếu tố bắt buộc.
Việc sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán, mua bán hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ sẽ là cơ hội rất lớn cho ngành ngân hàng. Khi uống cốc trà đá 5.000 đồng, gửi xe, mua bánh xà phòng, gói mì tôm hay bữa ăn sáng… người dùng sẽ không sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán hay trả tiền mặt, mà chỉ cần rút điện thoại ra. Nhưng họ sẽ sử dụng phương tiện thanh toán điện tử bằng tài khoản ngân hàng để mua xe, mua nhà. Như vậy, Mobile Money không những tạo sức cạnh tranh mà còn thúc đẩy khách hàng sử dụng tài khoản ngân hàng khi họ làm quen với phương thức thanh toán điện tử.
Điều kiện để sử dụng dịch vụ là những thuê bao muốn được cung cấp dịch vụ Mobile Money phải có thông tin tường minh. Nhà mạng được cung cấp dịch vụ đến các khách hàng có chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực. Các số thuê bao di động có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Mỗi người chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Nhà mạng thực hiện thí điểm phải chịu trách nhiệm định danh khách hàng (KYC) sử dụng Mobile Money. Cụ thể là xây dựng công cụ để quản lý rủi ro và quy trình KYC bảo đảm chỉ những người dùng đủ điều kiện mới được đăng ký và sử dụng dịch vụ. Nhà mạng quyết định cho khách hàng đăng ký mở và sử dụng dịch vụ trực tiếp hoặc online; bảo đảm có các biện pháp và công cụ để nhận biết, định danh khách hàng, đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin.
Ngoài ra, các nhà mạng cần có quy trình xác thực đối với mỗi giao dịch của tài khoản Mobile Money. Xây dựng phương án quản lý đối với trường hợp một cá nhân sử dụng nhiều tài khoản Mobile Money. Phải có biện pháp nhằm hạn chế, loại bỏ tình trạng SIM có thông tin không chính xác, không đầy đủ.
Mobile Money được thí điểm 2 năm và triển khai trên toàn quốc. Nhưng các nhà mạng phải ưu tiên triển khai dịch vụ Mobile Money tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đồng thời, các doanh nghiệp chỉ được cung ứng dịch vụ Mobile Money để chuyển tiền, thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định hiện hành để phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân. Dịch vụ Mobile Money chỉ áp dụng với các giao dịch nội địa và không thực hiện cho những dịch vụ xuyên biên giới.
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Mobile Money giúp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tài chính toàn diện, đặc biệt là những khu vực mà hệ thống tài chính, ngân hàng chưa phủ sóng. Mobile Money hứa hẹn một tương lai mà việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính được “bình dân hóa”; giảm chi phí xã hội để mở rộng các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Đối với các doanh nghiệp viễn thông, sẽ tận dụng được mạng lưới, điểm giao dịch rộng khắp cả nước nhằm đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng ngoài các dịch vụ truyền thống.
Nhà mạng thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money được sử dụng để nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh; nạp tiền từ tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc ví điện tử của khách hàng và rút tiền mặt từ tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh; rút tiền từ tài khoản Mobile Money về tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử. Hạn mức giao dịch đối với dịch vụ Mobile Money không quá 10 triệu đồng/tháng với mỗi tài khoản cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Theo Hiệp hội di động toàn cầu (Global System Mobile Associations - GSMA), Mobile Money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hóa đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động… và những dịch vụ tương tự. Mobile Money thường tập trung vào ba nhóm: thanh toán di động, tài chính di động và ngân hàng di động.
Trong hệ thanh toán điện tử, dịch vụ Mobile Money có thể được sử dụng cho mọi loại khách hàng, với mục đích sử dụng và hoạt động đa dạng bao trùm cả doanh nghiệp, cá nhân, Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ.
Mobile Money mang lại lợi ích thiết thực nhất đối với người dân, làm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính đến mọi tầng lớp dân cư. Mobile Money cũng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa dạng hóa phương thức thanh toán, nắm bắt được thói quen tiêu dùng của người mua, dễ dàng tiếp thị sản phẩm đến đúng với người có nhu cầu.
Mobile Money cho phép các định chế tài chính giảm chi phí giao dịch, giảm lượng tiền mặt trong lưu thông. Với các công ty viễn thông, việc cung cấp hạ tầng thực hiện Mobile Money được coi là một chiến lược cạnh tranh nhằm tăng doanh thu cho nhà mạng dựa vào lòng trung thành của khách hàng.
Đặc biệt, trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, Mobile Money là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng tốc độ chuyển tiền và giải quyết nhanh chóng các giao dịch, làm giảm khối lượng tiền mặt trong nền kinh tế. Mobile Money còn là công cụ hữu hiệu trong quá trình chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số; giúp Chính phủ giảm bớt chi phí in tiền, vận chuyển tiền, kiểm soát tốt hơn các dòng tiền.
Đối với sự phát triển xã hội, Mobile Money có vai trò quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Mobile Money có thể được cung cấp ở bất cứ nơi nào có dịch vụ điện thoại không dây, đem lại lợi ích đặc biệt với người nghèo, không có tài khoản ngân hàng. Khi được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, họ quản lý dòng tiền của mình tốt hơn, kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm cũng được xử lý hiệu quả hơn.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm