Thị trường hàng hóa
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng tham dự còn có hơn 300 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.
Cơ khí là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời, được Đảng và Nhà nước xác định là ngành công nghiệp mang tính “xương sống”, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là một số nhóm ngành như như cơ khí khuôn mẫu, cơ khí công nghệ cao, máy móc thiết bị, phụ tùng…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, giai đoạn vừa qua, chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của ngành cơ khí khi từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp và kinh tế phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đồng thời hướng tới mục tiêu đến năm 2023, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, do tình hình thế giới và khu vực có những biến động phức tạp, khó lường, tác động và ảnh hưởng sâu đến sự ổn định toàn cầu dẫn tới hệ luỵ làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, tác động không nhỏ đến hoạt động ngành công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng.
Dù đã ghi nhận những kết quả tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cũng như triển vọng phục hồi và xu thế của nền kinh tế những tháng vừa qua, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, khó khăn, thách thức vẫn sẽ nhiều hơn thuận lợi, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tiếp tục phải đón những luồng gió ngược của thế giới.
Mặc dù dư địa thị trường của công nghiệp là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự canh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.
Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành cùng với các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại.
Tại Hội nghị đã diễn ra 2 phiên thảo luận chính gồm: Phiên 1 dành cho đại diện các Hội, Hiệp hội (Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, Hội các Doanh nghiệp Cơ khí tỉnh Bắc Giang) trao đổi về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu các sản phẩm cơ khí Việt Nam với các thị trường nước ngoài. Phiên 2 dành cho đại diện các Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, Philippines, Séc, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, New York (Mỹ) thông tin cập nhật về tình hình thị trường; một số quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng cơ khí của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Hội nghị đã tập trung trao đổi, cập nhật thông tin về tình hình, diễn biến, các quy định về chính sách, yêu cầu mới đối với nhập khẩu, đánh giá thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu đối với các sản phẩm ngành cơ khí; thảo luận đánh giá cơ hội, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất - nhập khẩu, yêu cầu xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm cơ khí.
“Sau Hội nghị này, với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu ngành cơ khí, hỗ trợ doanh nghiệp ngành cơ khí tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước và phát triển xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm