Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo vừa công bố của VinaCapital, sụt giảm nhu cầu các sản phẩm “Made in Vietnam” là lực cản lớn nhất với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Xuất khẩu Việt Nam đang trải qua chuỗi suy giảm dài nhất trong hơn một thập kỷ với mức giảm 10% trong 7 tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo VinaCapital, có một số tín hiệu cho thấy xuất khẩu sẽ phục hồi vào quý IV dựa trên những chỉ báo đáng tin cậy.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu của Việt Nam cuối cùng đã bắt nhịp với xuất khẩu trong tháng 7 sau khi chậm lại trong nhiều tháng trước đó. Sụt giảm đơn đặt hàng xuất khẩu tại Việt Nam cũng đã được cải thiện trong tháng 7. Ngoài ra, lượng tồn kho nguyên liệu đầu vào của các công ty sản xuất đã tăng trong tháng 7 lần đầu tiên kể từ cuối năm 2022.
Hơn nữa, các doanh nghiệp đã bắt đầu tăng cường nhập khẩu, mua sắm nguyên liệu đầu vào, dần đẩy mạnh hoạt động sản xuất do kỳ vọng về sự hồi phục đơn đặt hàng xuất khẩu vào cuối năm nay.
Nói về một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, VinaCapital cho biết hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao (hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh), các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.
Do đó, xuất khẩu các mặt hàng điện tử của Việt Nam đã tăng mạnh, từ mức giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 6, lên mức tăng trưởng 28% trong tháng 7. Đây là yếu tố chính thúc đẩy sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam vào tháng trước và giúp đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lên hơn 30 tỷ USD lần đầu tiên trong năm nay.
Đối với mặt hàng may mặc và giày dép, VinaCapital dự báo xuất khẩu có lẽ chưa phục hồi cho đến năm sau, vì tốc độ giảm lượng tồn kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ cho các mặt hàng này đang chậm hơn so với sản phẩm điện tử tiêu dùng.
Tuy nhiên, xuất khẩu hàng may mặc sang Hàn Quốc và Nhật Bản đã tăng đột biến khoảng 30% so với tháng trước vào tháng 7, khi nhu cầu đối với sản phẩm thời trang đã phục hồi ở cả hai quốc gia này, theo khảo sát tâm lý người tiêu dùng nội địa.
"Chúng tôi kỳ vọng hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm sau, trở lại mức tăng trưởng 8-9% đối với ngành sản xuất. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP phục hồi từ khoảng 5% trong năm 2023 lên 6,5% trong năm 2024.
Yếu tố này sẽ hỗ trợ VN-Index trong những tháng tiếp theo, thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng từ 6% trong 2023 lên hơn 20% trong 2024", ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định trong báo cáo.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm