Thị trường hàng hóa
Giá tiêu hôm nay 18/10 tại các vùng trồng trọng điểm điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg. Hiện tại Gia Lai giá tiêu hôm nay được thương lái thu mua ở mức 58.500 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay còn 59.500 đồng/kg.
Tương tự, tại khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu cũng điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg. Tại Vũng Tàu, giá tiêu mới nhất hôm nay dao động quanh mốc 61.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai ở mức 60.500 đồng/kg. Tại Bình Phước, giá tiêu ở mức 60.500 đồng/kg.
Tại thị trường thế giới, giá tiêu hôm nay 18/10 không có biến động mới so với hôm qua.
Mặt hàng tiêu đen thế giới liên tục giảm nhẹ trong tuần trước, nhưng đã ổn định trở lại trong phiên hôm nay. Theo đó, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) giữ ở mức 3.714 USD/tấn. Còn, giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA ở mức 5.100 USD/tấn. Giá hạt tiêu đen Brazil ASTA 570 neo ở mức 2.600 USD/tấn.
Đối với mặt hàng hạt tiêu trắng, thị trường thế giới cũng đang đi ngang. Cụ thể, giá hạt tiêu trắng Muntok của Indonesia neo ở mức 6.011 USD/tấn. Còn, giá hồ tiêu trắng Malaysia ASTA duy trì ở mức 7.300 USD/tấn.
Khác với mong chờ hồi đầu năm, thị trường hồ tiêu trong nước diễn biến ngày càng tiêu cực. So với đỉnh mốc, giá tiêu xuống hơn 20.000 đồng/kg, nhiều người ôm hàng đầu vụ thua lỗ. Sự sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc được cho là một trong những nguyên nhân chính.
Nhưng cũng qua giai đoạn biến động vừa qua, ngành hàng hồ tiêu trong nước một lần nữa "nhìn lại mình", đánh giá lại để có những bước phát triển mang tính bền vững hơn. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hồ tiêu được giao dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu đang đứng trước những thách thức lớn, trong đó có thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đang ngày càng cao hơn của các thị trường.
Dự báo trong ngắn hạn, giá hồ tiêu thế giới tiếp tục giảm do đồng USD tăng mạnh. Việc Fed nâng lãi suất nhằm hạn chế lạm phát đã đẩy đồng USD chảy ngược vào Mỹ.
Điều này khiến nhiều quốc gia bị thiếu USD và buộc phải hạn chế ngoại tệ đối với nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, bao gồm hạt tiêu.
Nhu cầu tiêu thụ yếu được coi là yếu tố kìm hãm sự phục hồi của giá hạt tiêu những tháng tiếp theo, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu - vốn là hai thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất thế giới.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm