Thị trường hàng hóa
Trong 4 năm qua, tiến ra thị trường nước ngoài là xu thế chung của DN công nghệ số Việt Nam. Ước tính, trong số hơn 70.000 DN công nghệ số, khoảng 1/3 trong số đó đã có sản phẩm hoạt động ở thị trường quốc tế như FPT, Viettel...
Năm 2023, công cuộc chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là: vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; vừa hình thành các DN công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu, rộng trên phạm vi toàn quốc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số toàn dân.
Công nghiệp công nghệ số có những bước tiến mạnh mẽ. Doanh thu của lĩnh vực đạt 142 tỷ USD với tỷ lệ giá trị Việt Nam chiếm 28,7%. Khoảng 1.500 DN công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng gần 4% so với năm 2022).
Năm 2023, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nên kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghệ thông tin chỉ đạt 127 tỷ USD, giảm 4,9% so với năm 2022. Điểm sáng của thị trường công nghệ thông tin Việt Nam là mảng xuất khẩu phần mềm vẫn duy trì tăng trưởng 2 chữ số tại thị trường Nhật Bản và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Bên cạnh đó, chi tiêu cho lĩnh vực phần mềm toàn cầu trong năm 2023 và 2024 tăng trưởng lần lượt 12,3% và 13,1% đã tạo cơ hội cho ngành xuất khẩu phần mềm của Việt Nam tăng trưởng mạnh.
Theo ghi nhận, con số 7,5 tỷ USD là tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài mà khoảng 1.500 DN Việt Nam mang lại trong năm 2023, tăng gần 7% so với năm 2022.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam có những bước phát triển đáng khích lệ. Sự phát triển thể hiện qua số lượng DN công nghệ số tăng 30%, doanh thu tăng 32%, tỷ trọng "make in Viet Nam" tăng từ 21% lên 29% so với năm trước đó. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng 43%. Hiện Việt Nam có trên 1.500 DN công nghệ số với doanh thu đang tiến đến mốc 10 tỷ USD.
Các báo cáo cho thấy, chi tiêu cho CNTT thế giới được dự báo đạt 5.100 tỷ USD trong năm 2024, tăng 8% so với năm 2023, trong đó, chi tiêu cho dịch vụ CNTT và phần mềm chiếm 51% và có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tương đương 11,6% và 14,1%.
Đặc biệt, các khoản đầu tư vào lĩnh vực AI được xem là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu cho CNTT. Đây cũng sẽ là cơ hội lớn để DN Việt có lợi nhuận từ thị trường nước ngoài.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm