Thị trường hàng hóa
Chuyển hướng kịp thời
Trung tuần tháng 12 này, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, hai bên đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, có:
- Kế hoạch hành động giai đoạn 2023 - 2026 triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại;
- Kế hoạch hành động giai đoạn 2024 - 2026 triển khai Bản ghi nhớ trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Những văn bản hợp tác trên đã tô đậm thêm chiến lược xuất nhập khẩu với các nước có chung đường biên giới của Việt Nam.
Sau 15 năm Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai bên đã gặt hái được nhiều thành quả; trong đó, kinh tế thương mại được đánh giá là điểm sáng nổi bật trong bức tranh tổng thể này. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc). Năm 2023 này, việc điều hành hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ. 11 tháng đầu năm xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2%, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây là thị trường duy nhất trong các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam có mức tăng trưởng dương.
Những kết quả trên đạt được trong năm qua được xem là ấn tượng, khi thị trường thế giới suy giảm mạnh. Theo thống kê của UNCTAD, kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2023 đạt xấp xỉ 30.700 tỷ USD, giảm khoảng 5% - tương đương 1.500 tỷ USD so với năm 2022. Trong bối cảnh đó, với cái nhìn nhạy bén của một bộ kinh tế đa ngành, cách thức phản ứng chính sách của lãnh đạo Bộ Công Thương mang đậm dấu ấn quyết liệt, chuyển hướng kịp thời.
Ngay từ đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo “Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng… Theo dõi, cập nhật, đảm bảo tiến độ thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc sau Tết Nguyên đán. Phối với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch”. Trong các tháng tiếp theo là yêu cầu các cục, vụ chức năng: “Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới”; “Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch”…
Gần đây nhất, ngày 9/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc. Đây là lần thứ hai kể từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị này nhằm tìm giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các địa phương giữa Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới. Tại Hội nghị này, Tư lệnh ngành Công Thương tiếp tục nhấn mạnh đến xuất khẩu chính ngạch: “Các địa phương đều phải triển khai thực hiện tốt Đề án Xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công Thương xây dựng và đã được Chính phủ thông qua”.
Tiên phong kết nối
Bộ Công Thương cũng là cơ quan tiên phong kết nối với thị trường Trung Quốc. Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, ngày 28/6/2023 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía bạn thúc đẩy mở rộng quy mô thương mại song phương, hỗ trợ đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa Trung Quốc, thúc đẩy nâng cao hiệu suất thông quan tại cửa khẩu, thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam quá cảnh đường sắt Trung Quốc đi các nước thứ ba.
Nhằm tạo lòng tin cho doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy xuất khẩu qua biên giới, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc, để giải quyết những thách thức về gian lận thương mại, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
3 tháng sau, tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong các nước ASEAN, Việt Nam luôn là quốc gia tham dự CAEXPO với quy mô doanh nghiệp đông nhất, diện tích và số lượng gian hàng trưng bày hàng hóa lớn nhất. Cũng tại Hội chợ này, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Ban thư ký Hội chợ CAEXPO và các đơn vị liên quan tổ chức “Hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc”.
Bộ Công Thương cũng là cơ quan đi đầu trong tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong hợp tác kinh tế, thương mại với Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 13 văn kiện hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác, bảo đảm chuỗi cung ứng Việt - Trung; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về an toàn thực phẩm trong thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc; Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm