Thị trường hàng hóa
Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 120/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động và ảnh hưởng đối với Việt Nam.
Thông báo nêu rõ, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính về kết quả nghiên cứu, thời gian hoàn thành báo cáo "chính sách Thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động đến Việt Nam". Tuy vậy, báo cáo của Bộ Tài chính về vấn đề nói trên mới chỉ tập trung vào nội dung sửa đổi, điều chỉnh chính sách thuế mà chưa phân tích, đánh giá thật đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là những tác động bất lợi đối với những đối tượng nhà đầu tư mà ta đã cam kết ưu đãi, từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn, cạnh tranh thu hút đầu tư của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thuế suất tối thiểu toàn cầu là chính sách phát sinh từ bên ngoài có ảnh hưởng, tác động sâu sắc nhiều mặt đến Việt Nam với tư cách là một quốc gia thu hút, tiếp nhận đầu tư. Vì thế, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước liên quan (kể cả các nước "nguồn" cũng như nước tiếp nhận đầu tư), đặc biệt là những nước có hoàn cảnh, điều kiện tương tự như Việt Nam, cần có đánh giá kỹ lưỡng tất cả các tác động, nhất là tác động bất lợi để có các giải pháp ứng xử phù hợp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của đại biểu tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo. Báo cáo cần bao quát hết các vấn đề phát sinh để đề xuất, kiến nghị các giải pháp thật phù hợp trong thời gian tới; đồng thời, báo cáo phải được bố cục chặt chẽ, rõ ràng hơn, theo đó tập trung nêu bật 5 vấn đề cốt lõi.
Thứ nhất, quá trình hình thành và nội hàm thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Thứ hai, khẳng định rõ việc Việt Nam cần hay không cần, nên hay không nên tham gia.
Thứ ba, làm rõ hơn chính sách thuế của Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Thứ tư, phân tích đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá tác động đến: ngân sách nhà nước; nhà đầu tư; thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Thứ năm, đưa ra giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là giải pháp đối với những đối tượng bị tác động cần cụ thể rõ ràng, phân tích kỹ tác động.
Tháng 10/2021, có 136 quốc gia tham gia các cuộc đàm phán do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức và đồng ý với Giải pháp cải cách thuế 2 trụ cột. Trong đó, trụ cột 2 về mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024 tới đây. Đối tượng là các công ty đa quốc gia có doanh thu hợp nhất toàn cầu hằng năm từ 750 triệu EUR (tương đương khoảng 870 triệu USD) trong ít nhất 2 năm trong giai đoạn 4 năm liền kề trước thời điểm thực hiện nghĩa vụ thuế.
Phân tích của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng: Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư. Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực: Mức thuế suất phổ thông: 20% (cao hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu); thuế suất ưu đãi: 10%, 15% và 17% tùy theo lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư; thuế suất ưu đãi đặc biệt có các mức 5%, 7% và 9%. Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất trong thời gian được miễn, giảm.
Tuy nhiên, khi trụ cột 2 được chính thức áp dụng, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm