Thị trường hàng hóa
Từ xa xưa, cồng chiêng là nơi gửi gắm những tâm tư tình cảm, gắn bó mật thiết trong cuộc sống tâm linh của đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Hóa. Với người Mường huyện Thạch Thành, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng, linh thiêng trong đời sống sinh hoạt văn hóa.
Người Mường dùng cồng chiêng trong nhiều lễ nghi, lễ hội, trong công việc hệ trọng có ảnh hưởng đến sự sinh tồn của gia đình, dòng tộc, làng bản. Họ xem tiếng chiêng là ngôn ngữ để giao tiếp với trời, đất, thánh thần, tổ tiên, giữa người với người, cầu mong cho nhân khang, vật thịnh, cùng những ước nguyện ấm no, hạnh phúc.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về văn hóa cồng chiêng, bà Lê Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho hay: Cồng chiêng mang đậm nét văn hóa và hồn cốt của đồng bào các dân tộc Mường Thạch Thành. Khi xưa, ở các bản Mường vùng núi cao người ở còn thưa thớt, rừng núi hoang vu, nên âm vang tiếng cồng chiêng “bòong beng” đã xua đuổi muông thú, tà ma. Tiếng cồng chiêng còn thay lời gọi bạn nơi rừng thẳm, hay vui duyên đôi lứa, ngày hội đầu xuân.
Những thanh âm ấy đã chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, đi sâu vào nhiều mặt của cuộc sống và trải suốt cuộc đời mỗi người dân Mường. Cồng chiêng theo những phường sắc bùa mang may mắn đầu năm đến tận cửa mỗi nhà; cồng chiêng chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới; cồng chiêng thúc giục những bước chân đi trẩy hội xuống đồng, gọi nhà nhà tới chia vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no, hạnh phúc... Cứ thế, cồng chiêng đã được truyền tụ qua nhiều thế hệ, trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Mường ở huyện Thạch Thành.
Bà Hương cho phân tích: Cồng, chiêng có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Mường Thạch Thành. Trước đây, số lượng cồng, chiêng còn rất nhiều trong nhà dân. Tuy nhiên, vì mục đích thương mại nhiều gia đình đã đem bán, vì thế số lượng cồng chiêng giảm đi rất nhiều. Hiện nay, ở một số gia đình người Mường vẫn lưu giữ được những bộ cồng chiêng truyền thống, có tuổi thọ hàng trăm năm. Ở một số xã như Thành Mỹ, Thạch Lâm, Thành Yên, Ngọc Trạo, Thành Long đã thành lập được câu lạc bộ cồng chiêng.
Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của cồng chiêng đối với văn hóa Mường trong đời sống tinh thần của người dân tộc Mường huyện Thạch Thành nói riêng và đồng bào dân tộc Mường của tỉnh Thanh Hóa nói chung, UBND tỉnh Thanh Hóa và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng Mường gắn liền với bảo tồn các di sản văn hóa.
Lo lắng trước văn hóa cồng chiêng của người dân tộc Mường trên địa bàn ngày càng mai một, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Thạch Thành Lê Thị Hương mong muốn: “Để bảo tồn được văn hóa cồng chiêng, cần có cơ chế chính sách, đầu tư kinh phí cho các bản, làng Mường truyền thống để tổ chức duy trì hoạt động cho các câu lạc bộ cồng chiêng, như: Đầu tư mua các bộ cồng chiêng, mở các lớp truyền nghề, thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng; phục dựng, xây dựng mô hình điểm biểu diễn cồng chiêng trong các ngày hội văn hóa ở các bản, các lễ hội dân gian, các ngày lễ kỷ niệm của địa phương đúng như lễ tục vốn có của nó”.
“Cần đẩy mạnh xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trong việc tổ chức các hoạt động diễn xướng tại các địa phương theo nguyên gốc, tránh sự pha tạp, biến tấu làm mất đi những giá trị đặc sắc của nó... Có như vậy, mới bảo tồn và gìn giữ được văn hóa cồng chiêng một cách bền vững” - bà Hương nhấn mạnh.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm