Thị trường hàng hóa
Nhiều tham luận có chất lượng chuyên môn cao được các chuyên gia phân tích và trình bày tại hội thảo. Các chủ điểm nêu bật được bức tranh của nền kinh tế với góc nhìn đa chiều, những chỉ dấu và phát hiện thực tiễn trong xu hướng kinh doanh mới.
Khách mời được lắng nghe những diễn giả phân tích chuyên sâu về các lĩnh vực mà doanh nghiệp quan tâm như: biến động kinh tế, xu hướng tài chính, cách tiếp cận nguồn vốn, thị trường bất động sản, trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT)… Ông Nguyễn Tất Thịnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, tổng kết hội thảo.
Có diễn giả cho rằng: Các doanh nghiệp dần phải quen thuộc với những sự bất ổn, phức tạp của những chu kỳ phát triển, sự sắp xếp lại trật tự của xã hội để phù hợp với quy luật phát triển của tự nhiên, cạnh tranh thiếu lành mạnh cho tới lành mạnh, từ đó tìm ra hướng đi cho sự phát triển của chính mình.
Theo tài liệu cung cấp của hội thảo, kinh tế thế giới năm 2023 khác nhau về mức độ nhưng thống nhất về xu hướng: thấp hơn năm 2022 tư 0,5-1,2 điểm %. Theo World Bank, kinh tế toàn cầu chỉ đạt 1,7%, thấp hơn 1,3% so với dự báo tháng 6 năm 2022.
Nền kinh tế trong nước cũng đã thấy rõ những dấu hiệu cụ thể của “nghịch lý tăng trưởng”. Quý I, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3,32%. Để đạt mục tiêu đầy thách thức tăng trưởng 6.5% theo kế hoạch, trong 3 quý còn lại, Việt Nam cần tăng trưởng 7,5%.
Tại hội thảo, PGS. TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), đã nêu ra 3 xu hướng lớn của kinh tế thế giới: thời đại số - công nghệ cao, toàn cầu hóa “nghịch”, biến đổi khí hậu. Theo chuyên gia, kinh tế thế giới cũng trực diện 3 “cơn gió nghịch”: lạm phát tăng, điều kiện tài chính xấu, tăng trưởng suy giảm. Đó cũng là những “cơn bão lớn” mà doanh nghiệp cần vượt qua.
Quãng thời gian 2021-2030 được chuyên gia nhận định: Đây là “thập niên mất mát” của nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở nhưng vẫn còn yếu, nên càng cần đặc biệt lưu ý.
“Bất thường đang trở thành bình thường trong đời sống hàng ngày”. Các doanh nghiệp cần có cách tiếp cận khác với vấn đề phát triển, cũng như buộc phải tư duy lại về tương quan sức mạnh và cách thức hành động.
Vậy, Việt Nam vượt lên bão tố thế nào khi lực và sức còn yếu? Trong bối cảnh hiện tại, nhìn về phía trước, đây là điểm cơ hội, đúng lúc để thay đổi.
Theo chuyên gia Trần Đình Thiên, nỗ lực đầu tiên đến từ Chính phủ. Những hành động rất cụ thể của Chính phủ trong thời gian vừa qua như: Ban hành nghị định về trái phiếu doanh nghiệp, bơm vốn để nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất liên tục, giảm bớt thủ tục về condotel nhằm “xả stress” cho bất động sản. Những chỉ đạo và hành động rất cụ thể, rất thực tế của Chính phủ góp phần tạo niềm tin lớn cho doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, chuyên gia Trần Đình Thiên cũng đưa ra lời khuyên: Tích cực tìm kiếm và nắm bắt nguồn vốn vay từ ngân hàng, cũng như nhanh chóng thúc đẩy chuyển đổi số, tăng hiệu quả quản trị.
Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tâm thái bình tĩnh, lạc quan để sẵn sàng đối mặt với những rủi ro, thách thức. Mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp đều là một “người hùng” bảo vệ sự phát triển của nền kinh tế - xã hội một cách vững vàng, có trách nhiệm.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm