Thị trường hàng hóa
Rào cản từ yếu tố pháp lý
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 1/2024 có tới 53.900 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường. Đây là con số đáng chú ý bởi nó gấp 3 lần so với số DN thành lập mới trong cùng tháng đó.
Đánh giá về con số này cũng như bức tranh DN năm 2023, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đánh giá, xu hướng phát triển DN của Việt Nam đang đi ngược lại với thông lệ.
Thông thường số lượng DN thành lập mới và gia nhập thị trường có xu hướng tăng cao hơn so với số DN rút khỏi thị trường.
Trong khi đó, tháng 1/2024, số DN rút khỏi thị trường gấp 2 lần số DN gia nhập thị trường và số DN rút khỏi thị trường còn cao gấp 3 lần số DN thành lập mới.
“Điều này cho thấy có nhiều yếu tố tác động, có thể từ thị trường nhưng ở đâu đó từ nội tại còn có yếu tố pháp lý và điều kiện là một trong những rào cản rất lớn, là gánh nặng chi phí đối với DN”, chuyên gia nhìn nhận.
Trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn của cộng đồng DN, nhiều DN cho rằng, các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, thủ tục rườm ra và sự chậm trễ triển khai của các bộ, ngành, địa phương là rào cản lớn.
Theo TS Nguyễn Minh Thảo, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có rất nhiều nỗ lực liên quan đến tháo gỡ rào cản pháp lý về hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN.
TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Tuy vậy, trên thực tế còn rất nhiều chính sách đang gây khó, thậm chí tạo thêm gánh nặng về chi phí rất lớn đối với nhà đầu tư cũng như DN. Những vấn đề như chồng chéo hay mâu thuẫn giữa hệ thống văn bản pháp lý đã được nhận diện từ rất lâu nhưng những chuyển biến trên thực tế còn rất chậm.
Đây là thách thức lớn nhất đối với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN. Đồng thời dư địa cho việc cải cách còn nhiều.
“Những khó khăn thách thức nếu như không được tháo gỡ bằng cải cách pháp lý sẽ là một trong những khó khăn lớn cho DN trong thời gian tới đây”, chuyên gia nhấn mạnh.
Gánh nặng cho doanh nghiệp
Theo bà Thảo, có nhiều nguyên nhân dẫn tới hạn chế công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, nguyên nhân căn bản, cốt lõi nhất nằm ở thể chế pháp lý hiện nay. Trong đó, vai trò của người đứng đầu trong việc rà soát, đánh giá lại hệ thống pháp lý là một trong những nguyên nhân rất lớn.
Thứ hai là sự phối hợp giữa các cơ quan còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, những vấn đề liên quan đến bất cập, khó khăn đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp thường là những vấn đề mang tính chất liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý có liên quan.
Tuy nhiên, sự phối hợp là một trong những rào cản rất lớn, tác động đến việc thực hiện cải cách cũng như tạo thêm gánh nặng cho DN.
Doanh nghiệp còn đối diện nhiều khó khăn liên quan đến điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính.
Ngoài ra, trong một chừng mực nào đó, những vấn đề liên quan đến rào cản kinh doanh còn nằm ở sự níu kéo về quyền lực quản lý.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ yêu cầucác bộ, ngành phải rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định và không phù hợp với thực tiễn.
“Đây là một trong những chỉ đạo sát với thực tế và phù hợp với thực tế. Những yêu cầu về điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, không minh bạch hay khó xác định cũng là 1 trong những nội dung Bộ KH&ĐT đã nhận diện được qua rà soát các điều kiện kinh doanh”, chuyên gia cho biết.
Qua rà soát, Bộ KH&ĐT nhận thấy, điều kiện kinh doanh đâu đó còn có tình trạng cắt giảm mang tính hình thức, một số điều kiện gộp lại hoặc dẫn chiếu.
Chẳng hạn, nhiều quy định gắn với thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, liên quan đến môi trường hay an toàn thực phẩm thì thường dẫn chiếu và chính điều kiện kinh doanh dẫn chiếu đó rất khó để đánh giá thực tế có bao nhiêu điều kiện kinh doanh. Do đó, số lượng điều kiện kinh doanh hiện vẫn còn rất lớn.
Còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định rất chung chung, có thể tạo sự tuỳ ý trong việc thực thi.
Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, có những quy định liên quan đến nhà xưởng, trang thiết bị phải phù hợp với từng loại sản phẩm.
Quy định này có thể tạo ra sự tuỳ ý trong quá trình cấp giấy chứng nhận hoặc cấp phép kinh doanh cho hoạt động này.
Hay trong kinh doanh rượu có yêu cầu có cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp với ngành nghề sản xuất rượu. Hiện Việt Nam chưa có ngành nghề đào tạo nào liên quan đến sản xuất rượu.
“Trên thực tế, chúng tôi đã rà soát sơ bộ và nhận thấy có rất nhiều bất cập về điều kiện kinh doanh. Những rào cản đó cũng làm mất đi niềm tin kinh doanh của DN”, bà Thảo chia sẻ.
Cần sự nỗ lực từ nhiều bên
Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh đặt mục tiêu số DN gia nhập thị trường năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm ngoái.
Để hiện thực hoá mục tiêu này, Nghị quyết đặt ra 7 nhóm giải pháp với sự tham gia chủ động và tích cực của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương.
“Rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ giao cho từng đơn vị. Chúng tôi kỳ vọng nỗ lực từ các bộ, ngành, địa phương cần được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, cần duy trì các đánh giá độc lập của các bên liên quan, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội, ngành hàng giám sát cho quá trình thực hiện này”, bà Thảo kiến nghị.
Ngoài ra, cần duy trì liên tục áp lực cho hoạt động cải cách từ những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
Bản thân các DN cần chủ động và tích cực chia sẻ các vấn đề, kiến nghị để giúp cho tiến trình cải cách thuận lợi hơn.
“Cải cách không chỉ là trách nhiệm của một cơ quan, bộ, ngành mà còn có sự tổng hoà, phối hợp, đồng hành của nhiều bên”, chuyên gia nhấn mạnh.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm