Thị trường hàng hóa
Trong vài tháng qua, số các công ty niêm yết mới (IPO) tại châu Á – Thái Bình Dương đã chậm lại đáng kể trong những tháng gần đây dù đã có khởi đầu ấn tượng hồi đầu năm. Theo dữ liệu của Dealogic, số thương vụ IPO trong quý II/2022, tính đến ngày 14/6, chỉ đạt 356, giảm 31% so với cùng thời điểm năm ngoái. Riêng số vốn chỉ đạt 50,5 tỷ USD, giảm 26%. Trong khi đó, các thương vụ trong quý đầu năm thu được số tiền cao hơn 18% so với cùng kỳ.
Số lượng IPO toàn cầu do Dealogic ghi nhận cũng thấp hơn 53% so với mức năm 2021, với số tiền thu được giảm 72%. Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư đã giai đoạn u ám nhất lịch sử thị trường chứng khoán toàn cầu trong nửa đầu năm nay.
Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI, tổng hợp chứng khoán của 47 quốc gia, đã ghi nhận mức giảm sâu nhất trong nửa đầu năm kể từ khi ra đời vào năm 1990. Thêm vào đó, trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 10 năm vừa trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1788.
Lạm phát giá tiêu dùng đã vượt quá mục tiêu của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) ở hầu hết các quốc gia thực hiện cơ chế lạm phát mục tiêu. Các NHTW đã chuyển sang thực hiện “cuộc đua” tăng lãi suất lớn nhất trong 20 năm qua để kiềm chế lạm phát.
Bên cạnh hệ lụy do thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ mở rộng, kinh tế thế giới vừa phải gánh chịu cuộc khủng hoảng 3 chiều: năng lượng, lương thực và tài chính, cộng hưởng gây nên lạm phát cao. Trong khi tất cả những yếu tố đó sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp trên diện rộng. Điển hình là các công ty khởi nghiệp đang đối mặt với muôn vàn khó khăn: từ huy động nguồn vốn, dòng tiền, nhân lực, công nghệ cho đến việc quản lý…
Các chuyên gia nhận định, những startup được “sinh ra” trong thời điểm này được ví như những công ty khởi nghiệp trong thời kỳ đen tối nhất của cuộc suy thoái. Để điều hướng kinh doanh của các startup đạt được mục tiêu, giới chuyên gia đã đưa ra một số chiến lược và giải pháp giúp người kinh doanh khắc phục khó khăn.
Thứ nhất, vấn đề lớn nhất đối với một startup đó là nguồn vốn và dòng tiền, do đó kiểm soát tài chính là việc quan trọng các công ty khởi nghiệp phải làm. Với công ty khởi nghiệp, việc xây dựng kế hoạch doanh thu không khó khăn bằng việc xác định cơ cấu, định mức, tiêu chuẩn các hạng mục chi phí tương ứng sao cho phù hợp để đảm bảo có lợi nhuận.
Các chuyên gia cho rằng, các startup nên phân các hạng mục của chi phí hoạt động thành 2 nhóm chính: chi phí cố định (định phí) và chi phí biến đổi (biến phí). Định phí bao gồm các hạng mục chi phí không thay đổi theo doanh thu (thường cố định hằng tháng, hằng quý, hằng năm, bất kể có hay không có doanh thu): chi phí duy tu, bảo dưỡng; chi phí quản lý, bán hàng; trả lãi vay đầu tư, khấu hao tài sản cố định. Biến phí bao gồm các hạng mục thay đổi theo doanh thu, chiếm một tỷ lệ nhất định trong doanh thu: nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công trực tiếp phục vụ sản xuất.
Việc phân bổ các hạng mục chi phí vào biến phí hay định phí thường chỉ mang tính tương đối vì có nhiều hạng mục rất khó xác định là định phí hay biến phí. Do vậy, khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, các startup phải đặt mục tiêu doanh thu kế hoạch cao hơn doanh thu hòa vốn thì mới đảm bảo có lợi nhuận.
Thứ hai, startup nên tập trung vào việc giữ chân nhân viên. Thông thường, khi gặp khó khăn về kinh doanh, dòng vốn, startup hay nghĩ đến cắt giảm nhân sự. Song các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là giải pháp cuối cùng, bởi nhân sự là phần xương sống cho hoạt động của bất kỳ tổ chức nào.
Thời điểm này, startup nên chuyển sang giai đoạn “mài dao, mài kéo”, tiết kiệm chi phí, khoan tính đến chuyện cắt giảm nhân sự. Bài toán giữ chân người tài, chờ thời cơ và bứt phá trở lại được đặt ra đối với các startup ở mọi quy mô.
Thứ ba, khủng hoảng là thách thức cũng là cơ hội để startup giữ chân khách hàng. Giai đoạn hiện nay là bước khảo nghiệm vàng dành cho các công ty mới để thực hiện 2 nhiệm vụ chính, gồm soi lại sản phẩm, hoạt động của chính mình và tập trung cải tiến, xây dựng sản phẩm mới để phù hợp hơn với khách hàng.
Ông Yifat Shirben, Giám đốc Marketing của Quỹ đầu tư khởi nghiệp SYD Ventures, cho biết các công ty cần chấp nhận là với bối cảnh kinh doanh hiện tại, khách hàng sẽ không ở lại với sản phẩm của mình mãi mãi. Điều các doanh nghiệp cần làm là cố gắng giữ khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn càng lâu càng tốt. Muốn như vậy, các startup cần phải tạo ra cơ hội để người tiêu dùng có thời gian tiếp cận và tìm hiểu sản phẩm của mình.
Thứ tư, startup nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp. Một nhà khởi nghiệp thông minh sẽ biết cách tận dụng những cơ hội bên ngoài để phát triển công ty của mình.
Trong khoảng thời gian này, các startup chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề về tài chính. Chính vì vậy, nếu là một người khởi nghiệp thông thái hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp. Những đơn vị này sẽ giúp các startup gói hỗ trợ như thuê được văn phòng làm việc giá rẻ, được giới thiệu nguồn nhân lực tài năng và phù hợp, giúp đỡ trong việc kết nối với các doanh nghiệp khác để cùng nhau phát triển hoặc đầu tư…
Thứ năm, startup nên chuyển sang thực hiện các sáng kiến xanh. Cải thiện nhận thức về môi trường và tăng trưởng bền vững không chỉ là nỗ lực của từng khu vực mà còn là một bước đi thông minh để các công ty khởi nghiệp bắt đầu hành trình của mình với một số hoạt động thân thiện với môi trường.
Một số các doanh nghiệp đã nghĩ đến các giải pháp đầu tư vào phương tiện giao thông chạy bằng điện để tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường, đồng thời giúp cải thiện hình ảnh của chính công ty. Các công ty khởi nghiệp mới không nhất thiết chỉ phục vụ khách hàng ở môi trường trong nước hay trong khu vực, mà việc sử dụng hình ảnh xanh cũng có thể thu hút doanh nghiệp và các nhà đầu tư từ khắp các châu lục.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm