Thị trường hàng hóa
Theo bảng xếp hạng Real time của Forbes, tỷ phú Gautam Adani - ông chủ Adani Group - hiện sở hữu khối tài sản trị giá 127,9 tỷ USD và là người giàu thứ 5 thế giới. Với vị trí này, ông cũng đồng thời trở thànhtỷ phú châu Á giàu nhất trong lịch sử.
Vị doanh nhân này sinh 1962 ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ trong một gia đình đông con và kinh doanh ngành dệt may. Adani theo học Đại học Gujarat chuyên ngành thương mại, nhưng đến năm thứ hai thì ông bỏ học. Ở tuổi 18, Adani quyết định tìm cơ hội tại Mumbai, thành phố kinh tế phát triển sôi động nhất Ấn Độ chỉ với 100 rupee trong túi.
Mới đầu, ông xin vào làm việc trong một tổ máy phân loại kim cương tại công ty Mahindra Brothers. Hai năm sau, ông nghỉ việc, tự thành lập doanh nghiệp chuyên về môi giới kim cương. Tới năm 20 tuổi, ông đã có một khoản tiết kiệm không nhỏ. Sau đó, Adani trở về quê nhà bang Gujarat để giúp người anh trai vận hành một cơ sở kinh doanh đồ nhựa.
Năm 1988, ông thành lập Adani Enterprises, công ty hàng đầu của tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa. Năm 1994, Adani Enterprises đã được chính quyền bang Gujarat chấp thuận thành lập một bến cảng để xếp dỡ hàng hóa của chính công ty tại Cảng Mundra.
Nhận thấy tiềm năng của dự án, Adani quyết định biến nó thành một thương cảng. Ông đã xây dựng "cầu nối" giữa đường sắt và đường bộ bằng cách đàm phán riêng với hơn 500 chủ đất trên khắp cả nước để tạo ra cảng lớn nhất ở Ấn Độ. Năm 2009, Adani tiếp tục gia nhập lĩnh vực sản xuất điện.
Adani mở rộng đế chế của mình với các thương vụ lớn như mua 74% cổ phần của Sân bay Quốc tế Mumbai năm 2020 hay chi 3,5 tỷ USD mua lại cổ phần mảng năng lượng tái tạo ở Ấn Độ của Softbank. Tiếp đó, là mua Ocean Sparkle, công ty dịch vụ hàng hải lớn nhất của Ấn Độ, trong một thỏa thuận trị giá 220 triệu USD.
Chỉ trong vòng 3 năm, ông Adani đã giành quyền kiểm soát 7 cảng biển và khoảng 1/4 giao thông đường không ở Ấn Độ. Tập đoàn của ông hiện sở hữu nhà vận hành cảng hàng không lớn nhất, nhà phát điện lớn nhất và công ty bán lẻ khí đốt lớn nhất thuộc khu vực tư nhân của Ấn Độ. Sanjiv Bhasin – Giám đốc hãng môi giới chứng khoán IIFL cho biết một số công ty thuộc Adani Group, như các công ty cảng biển, hoạt động "gần như độc quyền".
Tài sản của Adani tăng lên nhanh chóng trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Từ 8,9 tỷ USD hai năm trước, tài sản của ông Adani đã tăng vọt lên khoảng 50,5 tỷ USD vào tháng 3/2021 và tới tháng 3 năm 2022 đạt khoảng 90 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu các công ty con tiếp tục tăng. Con số này hiện là gần 128 tỷ USD.
Tháng 4 năm nay, tài sản của Gautam Adani từng có thời điểm đạt mức 127,9 tỷ USD – giúp ông trở thành tỷ phú châu Á giàu nhất lịch sử, theo ghi nhận của Forbes. Hiện nay, tài sản của doanh nhân Ấn Độ này đã giảm xuống còn 98,3 tỷ USD. Dù vậy, ông chủ Adani Group vẫn là người giàu nhất châu Á, nhiều hơn tỷ phú đứng ở vị trí số 2 – Mukesh Ambani – 5,5 tỷ USD.
Tỷ phú Adani và gia đình vừa cam kết sẽ quyên góp 600 tỷ Rupee (tương đương 7,7 tỷ USD) cho hoạt động từ thiện xã hội. Đây là tuyên bố đánh dấu kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của ông. Khoản quyên góp trên sẽ do tổ chức Adani Foundation quản lý và nhắm tới các hoạt động thúc đẩy phát triển y tế, giáo dục và phát triển kỹ năng.
“Đây là một trong những khoản quyên góp lớn nhất dành cho một tổ chức từ thiện trong lịch sử doanh nghiệp Ấn Độ”, Gautam Adani nói và cho biết thêm rằng cam kết này cũng nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha ông, Shantilal Adani.
Priti, vợ của ông Adani cũng là nhà từ thiện nổi tiếng và được trao bằng tiến sĩ danh dự vì hoạt động này.
Khởi đầu là một doanh nghiệp thương mại nông nghiệp vào năm 1988, tập đoàn Adani đã trở thành một “đế chế” hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ giao dịch than đá, khai khoáng, hậu cần cho tới sản xuất và phân phối điện. Gần đây, tập đoàn này mở rộng sang lĩnh vực năng lượng xanh, xây dựng sân bay, trung tâm dữ liệu và sản xuất xi măng. Ông Adani cam kết tới năm 2030 sẽ đầu tư tổng cộng 70 tỷ USD để đưa Adani Group trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới.
Trong cuộc đời Gautam Adani, tỷ phú giàu nhất châu Á từng trải qua một số tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Năm 1998, ông bị bắt cóc đòi tiền chuộc. Đến năm 2008, Adani là một trong những con tin bị giam giữ tại khách sạn Taj Mahal Palace ở Mumbai trong cuộc tấn công khủng bố khiến ít nhất 166 người thiệt mạng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm