Thị trường hàng hóa
Ngày 18/11, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức họp báo, thông tin về Hội nghị Tổng kết năm 2022 của hiệp hội diễn ra ngày 16/12 tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tổng kết tình hình dệt may Việt Nam và thế giới trong năm 2022, nhìn nhận đánh giá hoạt động của hiệp hội trong năm qua, chia sẻ định hướng hoạt động trong thời gian tới cùng những giải pháp giúp ngành dệt may vượt qua khó khăn, thách thức vươn tới mục tiêu phát triển bền vững.
Sự kiện có sự tham gia của các lãnh đạo bộ ngành, địa phương; nhãn hàng, chuyển gia kinh tế và lao động hàng đầu đến từ các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, hơn 600 doanh nghiệp hội viên của hiệp hội và các cơ quan thông tấn báo chí.
Trong khuôn khổ sự kiện, ngày 15/12/2022, phiên sáng sẽ diễn ra Hội nghị Liên đoàn Dệt May Đông Nam Á (AFTEX) với sự góp mặt của Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may các nước Đông Nam Á, phiên chiều Hội thảo “Giải pháp quản lý chuỗi cung ứng dệt may để phát triển bền vững” sẽ có sự tham dự của các chuyên gia trong nước và tổ chức tuốc tế uy tín với 2 chuyên đề chính: chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sự kiện này là dịp để các doanh nghiệp trong ngành cùng nhìn nhận những kết quả đạt được trong năm 2022. Giai đoạn 6 tháng cuối năm, tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may chững lại do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lạm phát, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc khi Việt Nam đang nhập khẩu trên 40% nguyên phụ liệu từ thị trường này cùng những yêu cầu khắt khe từ phía các quốc gia nhập khẩu về cam kết phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu... Trước những khó khăn đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng tốt ước đạt 42 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2021.Giai đoạn 2023-2025, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn, ngành Dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa.
Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp dệt may Việt chú trọng xây dựng thương hiệu và khai thác thị trường này. Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã có 10 thương hiệu đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam bao gồm: Sản phẩm thời trang Viettien (Tổng Công ty May Việt Tiến), thương hiệu Merriman (Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ), thương hiệu Mattana & Novelty (Tổng Công ty May Nhà Bè), Trang phục An Phước (Công ty TNHH May thêu giày An Phước), May10 Series, May10 Suits & Eternity GrusZ (Tổng Công ty May 10), Thời trang Thái Tuấn (Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn), khăn bông Mollis (Tổng Công ty CP Phong Phú). Mục tiểu từ nay tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 20 thương hiệu thời trang không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới.
Để đạt được mục tiêu đề ra và thực hiện khẩu hiệu “Vượt qua thách thức – Phát triển bền vững – Hướng tới tương lai”, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, lấy lợi ích của doanh nghiệp dệt may làm trọng tâm.
Cụ thể: Thực hiện tốt vai trò kết nối các doanh nghiệp trong nước với nhau và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu; phối hợp với các tổ chức quốc tế lớn uy triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, thiết kế, xây dựng thương hiệu...; thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt giao lưu, quảng bá hình ảnh; truyền tải kịp thời thông tin về ngành, kinh tế - xã hội trong nước và thế giới đến Hội viên.
Đặc biệt, hiệp hội luôn phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý Nhà nước với khối doanh nghiệp dệt may, phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, làm tốt vai trò là thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm