Thị trường hàng hóa
Thông tin được đưa ra Hội nghị giao ban ngành gỗ quý III/2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các hiệp hội gỗ tổ chức chiều 28/7 tại Đồng Nai.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 năm 2022 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, đây là tháng thứ 2, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tốc.
Trong khảo sát nhanh đối với 52 doanh nghiệp ngành gỗ do các Hiệp hội và nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends vừa tiến hành trong 2 tuần vừa qua: Trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Hoa Kỳ có 33 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%). Xu thế tương tự đối với thị trường EU. Cụ thể, trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này có tới 24 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%. Tại thị trường Anh, trong 25 doanh nghiệp tham gia thị trường này thì 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%.
Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.
Ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends, hiện doanh nghiệp đang chịu nhiều sức ép về vốn vay ngân hàng, chi phí lao động, nguyên liệu đầu vào. Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp làm gì trong bối cảnh này. Báo cáo nghiên cứu cho thấy, 71,2% doanh nghiệp cho biết sẽ giảm quy mô sản xuất; 15,5% doanh nghiệp cho biết sẽ chuyển đổi mặt hàng sản xuất xuất khẩu; 9,6% doanh nghiệp cho biết sẽ chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu…
44,2% doanh nghiệp cho biết có thể cầm cự được từ 3-6 tháng, 23,1% doanh nghiệp cho biết sẽ cầm cự được trên 12 tháng, 19,2% có thể cầm cự dưới 3 tháng. Về phía các doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan chức năng như giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, giảm/chậm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, giảm tiền thuê đất,…
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – đánh giá, các con số này cho chúng ta thấy một bức tranh về thị trường rất ảm đạm. Các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác.
Nằm trong khó khăn chung của các doanh nghiệp ngành gỗ, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Đồng Nai cũng đang gặp nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm. Theo ông Võ Văn Phi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - thời điểm này các doanh nghiệp ngành gỗ tại Đồng Nai nói riêng cũng như các doanh nghiệp chế biến gỗ trên cả nước đang phải đối diện với các khó khăn phải nói là chưa từng có, tình trạng giảm, chậm, hủy hay không có đơn hàng sản xuất kéo theo giảm lao động, tình hình tài chính khó khăn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất ngành gỗ.
Ông Võ Quang Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai - cho biết, qua khảo sát nhanh chúng tôi thấy, trong tháng 7, giá các sản phẩm gỗ xuất khẩu giảm 30%, cả thị trường nội địa cũng giảm, doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm 1 nửa, thậm chí một vài doanh nghiệp đóng cửa. Dự báo, tình hình còn khó khăn hơn trong tháng 8 này. Do đó, ông Võ Quang Hà kiến nghị các ngân hàng tạo điều kiện giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn vay, giảm chi phí container, đồng thời thiết kế gói cứu trợ doanh nghiệp, đồng thời, hy vọng, khi các nhà buôn lớn trên thế giới giải quyết được lượng hàng tồn kho lớn sẽ đặt hàng trở lại.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA) - cho biết, các doanh nghiệp ngành gỗ rất mong ngành ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.
Ngành chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam hiện đang hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế. Các thị trường chính xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Anh đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn. Điều này hiện đang tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay.
Nhìn nhận vào thực trạng các thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, Anh, EU cũng như thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các khó khăn, từ đó tìm ra các giải pháp nhằm giảm thiểu các khó khăn, giúp các doanh nghiệp duy trình sản xuất kinh doanh, góp phần duy trì mục tiêu về xuất khẩu mà Chính phủ đã đưa ra đang là vấn đề đặt ra.
Thị trường thế giới đang chứng kiến những thay đổi vĩ mô vô cùng lớn. Các nguyên nhân chính dẫn đến các thay đổi này bao gồm đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga – Ukraina, mức lạm phát cao tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại các thị trường lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh. Các nguyên nhân này dẫn đến giá tiêu dùng tăng mạnh. Lạm phát ở mức cao. Hàng hóa trở nên đắt đỏ. Cầu tiêu dùng về các sản phẩm không thiếu yếu giảm.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, thị trường luôn có xu hướng hình Sin. Mở rộng thị trường xuất khẩu, mặt hàng xuất khẩu là giải pháp để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn hiện nay và nắm bắt cơ hội khi thị trường khôi phục trở lại.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm