Thị trường hàng hóa
Nền kinh tế khẳng định sự phục hồi rõ nét
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương diễn ra sáng 8/1/2025 cho thấy, nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân, doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phục hồi tích cực, tốt hơn qua từng tháng, từng quý, năm 2024 không chỉ đạt mà cơ bản vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu.
Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng về tăng trưởng, quy mô nền kinh tế, GDP bình quân đầu người, lạm phát, năng suất lao động, doanh nghiệp, thu hút FDI, văn hóa, an sinh xã hội, lao động việc làm, đời sống người dân… đạt kết quả nổi bật, cao hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Cụ thể, nền kinh tế đã khẳng định sự phục hồi rõ nét, là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trên thế giới; tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý sau cao hơn quý trước; so với cùng kỳ năm 2023; GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024.
Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế khác đánh giá cao.
Động lực quan trọng từ công nghiệp chế biến, chế tạo
Khu vực nông, lâm, thủy sản duy trì đà tăng khá, khu vực công nghiệp phục hồi tích cực trở lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm năm 2024 ước đạt 8,32% so với năm trước, chỉ thấp hơn năm 2019 trong giai đoạn 2019-2024, đóng góp 2,70 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2024 tăng 7,38% cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9,0% so với năm trước, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Khách quốc tế năm 2024 đạt gần 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm trước.
Nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, xăng dầu… luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, gian lận xuất xứ, nhất là hàng hóa kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử tiếp tục được củng cố.
Lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh thế giới biến động mạnh, nhiều khó khăn. Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71%, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung, là rất tích cực trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2024 và điều chỉnh giá một số dịch vụ.
Công tác điều hành giá, điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý được thực hiện chặt chẽ, kỹ lưỡng; đã chủ động xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, tình hình lạm phát, không để tăng giá đột ngột, cùng thời điểm, giảm thiểu tác động đến lạm phát bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Công tác quản lý thị trường, giá cả, hàng hóa tiếp tục được tăng cường, kết hợp với các giải pháp truyền thông, thông tin tuyên truyền phù hợp, hiệu quả, ổn định tâm lý, kỳ vọng lạm phát của người dân, nhất là trước, trong và sau thời điểm thực hiện chính sách tiền lương, tăng lương hưu, chế độ chính sách.
Thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, đảm bảo thanh khoản, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, chính xác, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm hài hòa giữa điều hành lãi suất và tỉ giá. Chính sách tài khóa được thực hiện mở rộng và hợp lý, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mặt bằng lãi suất điều hành được giữ ổn định; đồng thời các tổ chức tín dụng được chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; công khai mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại tiếp tục có xu hướng giảm so với cuối năm 2023.
Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiếp tục được triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm để tăng cường khả năng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu vay vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng của năm 2024
Xuất nhập khẩu là điểm sáng của năm 2024. Tính chung cả năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7% .
Tính chung cả năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD (năm 2023 xuất siêu 28,4 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 50,29 tỷ USD.
Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục đạt kết quả tích cực, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á).
Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ gần 2.000 lượt doanh nghiệp tham gia và hưởng lợi trực tiếp với giá trị hợp đồng ký kết trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm quốc tế đạt gần 10 triệu USD, doanh số bán hàng tại các hội chợ, triển lãm cấp vùng đạt hơn 80 tỷ đồng; giúp cho các doanh nghiệp tìm kiếm được nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cũng như tìm hiểu, tiếp cận, kết nối với các thị trường, đối tác mới, tận dụng được các lợi thế từ các FTA, tăng cường kết nối thị trường quốc tế và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Nước ta đã xác lập được vị thế quan trọng trên bản đồ chuỗi công nghiệp bán dẫn thế giới, thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn, đặc biệt là việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ và Tập đoàn NVIDIA. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 01 bậc so với năm 2023.
Cân đối thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) được bảo đảm
Thu, chi, cân đối thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) được bảo đảm. Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Trung ương, Quốc hội cho phép.
Tổng thu NSNN năm 2024 ước đạt 2.037,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% (tăng 336,5 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 164,2 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10, 11/2024), tăng 16,2% so với thực hiện năm 2023.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong năm 2024 được thực hiện theo dự toán, đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.
Thu hút FDI đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần năm 2024 khoảng 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2023.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đạt mức cao nhất từ năm 2020 đến nay, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết tại thị trường Việt Nam, đồng thời phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tình hình phát triển doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn
Tình hình phát triển doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2024 vẫn đạt mức cao với 233.419 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 76.179 doanh nghiệp, vượt mức 70.000 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong một năm.
Số vốn đăng ký bổ sung của doanh nghiệp đang hoạt động vào nền kinh tế trong năm 2024 đạt 2.025.854 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2023. Khoảng 77,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh trong quý IV/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2024, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào sự phục hồi tích cực của nền kinh tế.
Các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai hiệu quả, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mạng lưới tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục được nâng cấp, mở rộng. Cơ chế, chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp được chủ động nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 được triển khai hiệu quả, đạt được một số kết quả nổi bật; đã đào tạo trực tiếp cho gần 14.200 doanh nghiệp và hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho khoảng 390 doanh nghiệp nhằm xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi số, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cải tiến vào quy trình quản trị, sản xuất của doanh nghiệp.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm