Thị trường hàng hóa
9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 497,66 tỷ USD
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết trong tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,53 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 497,66 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 8,2%; nhập khẩu giảm 13,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD.
Sau 4 tháng tăng trưởng liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 6,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,11 tỷ USD, giảm 3,1%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 tăng 4,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 0,5%. Trong quý III năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 94,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,3% so với quý II năm 2023.
Nhìn chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 68,86 tỷ USD, giảm 5,7%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 190,81 tỷ USD, giảm 9,1%, chiếm 73,5%.
Trong đó, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%).
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, trong tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của các tháng cuối năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ghi nhận mức tăng 31,1% so với cùng kỳ, ước đạt 3,01 tỷ USD. Nổi bật nhất trong nhóm này là xuất khẩu hàng rau quả tăng 160% so với cùng kỳ, ước đạt 650 triệu USD; gạo tăng 80%, ước đạt 495 triệu USD; hạt tiêu tăng 22,7%; hạt điều tăng 39,6%...
Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến trong thời gian này cũng tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 26,65 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ… đạt mức tăng từ 2 - 10%.
So với tháng trước đó, nhiều ngành hàng vẫn duy trì được sự khởi sắc như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 4,9%, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 21,6%... Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng có phần chững lại hoặc giảm như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (-0,6%), dệt may (-13%), giày dép (-12,7%), gỗ và sản phẩm gỗ (-7%), sắt thép (-21%)...
Nhóm hàng cán mốc kim ngạch xuất nhập khẩu 100 tỷ USD
Hết tháng 9, xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 41,41 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu đạt 62,82 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính hết tháng 9, nhóm hàng này nhập siêu 21,41 tỷ USD.
Trong đó, Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hồng Kông là các thị trường xuất khẩu chủ yếu. Còn các thị trường nhập khẩu lớn là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan.
Tính hết tháng 9/2023, riêng nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm tới 21% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm