Thị trường hàng hóa
Theo hãng tin Reuters, dữ liệu hải quan chính thức vào ngày 7/8 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng trưởng 18,0% so với cùng kỳ năm trước và đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ đầu năm. Trước đó vào tháng 6, Trung Quốc ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng 17,9%, vượt xa kỳ vọng tăng 15% của giới phân tích.
Xuất khẩu đi là một trong số ít những điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2022, khi các đợt phong toả trên diện rộng ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng và thị trường bất động sản từng chao đảo từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng xuất khẩu sẽ giảm dần do nền kinh tế toàn cầu có vẻ ngày càng đi vào suy thoái nghiêm trọng, bị đè nặng bởi giá cả tăng vọt và lãi suất tăng.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát nhu cầu của các nhà máy toàn cầu được công bố vào tuần trước cho thấy nhu cầu trong tháng 7 đã suy yếu, với lượng đơn đặt hàng và chỉ số sản lượng giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020.
Còn kết quả khảo sát chính thức về lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc cho thấy các hoạt động trong lĩnh vực này đã suy giảm trong tháng 7, làm dấy lên lo ngại rằng sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau các đợt phong tỏa chống dịch trên diện rộng thời gian qua sẽ chậm hơn và chông gai hơn dự kiến.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy sự gián đoạn trong vận chuyển và chuỗi cung ứng do dịch bệnh đang có chiều hướng suy giảm, đúng lúc các nhà sản xuất chuẩn bị nguồn hàng cho nhu cầu mua sắm vào dịp cao điểm cuối năm.
Theo số liệu của Hiệp hội cảng Trung Quốc, lưu lượng container xuất khẩu qua 8 cảng lớn của Trung Quốc đã tăng 14,5% trong tháng 7, gần gấp đối tốc độ tăng 8,4% của tháng 6. Đặc biệt, lưu lượng container xuất qua cảng Thượng Hải - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp chống dịch Covid-19 - cũng đạt mức cao kỷ lục trong tháng 7.
Trái với xuất khẩu, bức tranh nhập khẩu của Trung Quốc vẫn èo uột, điều này cho thấy sức tiêu dùng nội địa của Trung Quốc vẫn ở mức thấp.
Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 thấp hơn dự báo khi chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Dẫu vậy, kết quả này vẫn khá khẩm hơn so với mức tăng 1% trong tháng 6.
Các nhà phân tích kỳ vọng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm, do được thúc đẩy bởi nhu cầu thiết bị và hàng hóa liên quan đến lĩnh vực xây dựng khi chính phủ nước này tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Trong tháng 7, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại kỷ lục 101,26 tỷ USD do giá trị nhập khẩu xuống thấp còn xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng.
Tuần trước, các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đánh giá rằng nền kinh tế này đang ở trong "thời kỳ quan trọng" của sự ổn định và phục hồi, và quý thứ ba đóng vai trò "quan trọng", theo Reuters.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc gần đây cũng báo hiệu rằng mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm 2022 có thể bị bỏ lỡ. Chỉ tiêu này được các nhà phân tích trước đó cảnh báo là ngày càng khó thực hiện sau kết quả kinh tế quý II/2022. Cụ thể, thay vì mức 1% như kỳ vọng, tăng trưởng của Trung Quốc trong quý II/2022 chỉ đạt 0,4% do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải vật lộn trước tác động của các biện pháp chống dịch Covid-19.
Vào cuối tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống còn 3,3%, từ mức tăng trưởng 4,4% được dự báo hồi tháng 4, với lý do các đợt phong tỏa chống dịch Covid-19 kéo dài và cuộc khủng hoảng bất động sản ở quốc gia này ngày càng trầm trọng.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm