Thị trường hàng hóa
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính tới 15/7/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 177 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm có thể là do lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng, người dân chi tiêu tiết kiệm và tồn kho nhiều… Nửa đầu năm nay, giá trị tôm xuất khẩu sang Hàn Quốc không có sự biến động tăng giảm nhiều như các thị trường khác.
Xuất khẩu tôm sú Việt Nam sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2% trong 6 tháng đầu năm 2023
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhận định, giống như Nhật Bản, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc có lợi thế vị trí địa lý gần, nhu cầu tiêu thụ ổn định và là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh lạm phát khiến tiêu thụ giảm mạnh ở các thị trường phương Tây. Từ nay đến cuồi năm, dự kiến nhu cầu của thị trường này không biến động nhiều và tăng nhẹ để phục vụ dịp cuối năm,
Xuất khẩu tôm chân trắng từ Việt Nam sang Hàn Quốc chiếm tỷ trọng 84%, tôm sú xuất khẩu sang Hàn Quốc chiếm tỷ trọng 4%, còn lại là tôm khác, chiếm 12%. Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu tôm chân trắng sang Hàn Quốc giảm mạnh hơn tôm su với giá trị xuất khẩu đạt 140 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sú chế biến đã có dấu hiệu tăng nhẹ 2% trong 6 tháng đầu năm nay.
Theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), các sản phẩm tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ được giảm thuế từ mức 20% về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, bao gồm các sản phẩm tôm nước lạnh đông lạnh đã bóc vỏ, tôm nước lạnh chưa bóc vỏ, tôm và tôm prawn khác đã bóc vỏ, tôm và tôm prawn khác chưa bóc vỏ, tôm nước lạnh sống/tươi/ướp lạnh, tôm và tôm prawn khác sống/tươi/ướp lạnh, tôm và tôm prawn không đóng hộp kín khí.
Hạn ngạch tôm được miễn thuế từ Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc đạt 10.000 tấn trong năm đầu tiên VKFTA có hiệu lực. Đây là một cơ hội lớn để Việt Nam cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc. Trong khi Thái Lan, Indonesia, Malaysia chỉ được cấp hạn ngạch 5.000 tấn.
Tuy nhiên, Chính sách hạn ngạch (quota) mà Hàn Quốc áp với các sản phẩm tôm Việt Nam lại đang cản trở hoạt động xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này.
Bởi Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu đấu giá mua hạn ngạch nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào nước này với giá 14-16% giá trị nhập khẩu. Nếu ngoài chính sách hạn ngạch thì mức thuế nhập khẩu là 20%, như vậy, nhập khẩu tôm Việt Nam vào Hàn Quốc phải chịu mức thuế 14-20%. “Đây là một bất lợi và làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Hàn Quốc” - VASEP nhận định.
Trong khi, Peru cũng có FTA với Hàn Quốc, mức thuế 20% giảm theo lộ trình 5 năm từ tháng 8/2011, đến nay đã về 0%, sản phẩm tôm Peru xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc không có chính sách hạn ngạch và mức thuế đã về 0%.
Mỗi năm, Hàn Quốc nhập khẩu trên 100.000 tấn tôm với giá trị từ 800 triệu USD - 1 tỷ USD. Trong đó, tôm Việt Nam luôn chiếm thị phần cao nhất trên 50%. Số lượng tôm xuất khẩu sang Hàn Quốc của Việt Nam đã hơn 50.000 tấn, tức là hiện tại đã cao gấp 3-4 lần số lượng trong quota (15.000 tấn với mức thuế nhập khẩu 0%).
Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 5 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu tôm của Hàn Quốc đạt trên 313 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam vẫn là nguồn cung lớn nhất, tiếp theo đó là Trung Quốc, Canada,… và Ấn Độ đứng thứ 8 về cung cấp tôm cho thị trường Hàn Quốc.
Để nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi mà Hiệp định VKFTA mang lại, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao ý thức chủ động tiếp cận thông tin về VKFTA để lựca chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, đồng thời thay đổi công nghệ, định hướng phát triển sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu, thị hiếu của thị trường này.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm