Thị trường hàng hóa
Sau thời gian đối diện với tình hình ảm đạm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đang dần hồi phục với lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu tăng trở lại.
Bên cạnh đó, các hợp đồng với giá trị lớn cũng được ký kết, chủ yếu từ các nhà nhập khẩu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, có 3 yếu tố tích cực tác động đến xuất khẩu tôm: Một là hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu giảm do lạm phát hạ nhiệt; Hai là nhu cầu đặt hàng tăng nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm và cuối cùng là nguồn cung ổn định khi các nước như Ecuador, Malaysia… kết thúc thu hoạch tôm chính vụ.
Trước tín hiệu tích cực từ thị trường, khả năng cung ứng ổn định của doanh nghiệp, VASEP dự báo, tuy không đạt kim ngạch như năm trước, nhưng xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt trên 3 tỷ USD.
Yếu tố tích cực đã có, nhưng chủ động vẫn được xem là giải pháp hiệu quả nhất trong lúc này, từ doanh nghiệp cho đến người nuôi, bởi chỉ có chủ động, mới có thể duy trì sản xuất chờ thị trường hồi phục.
Nhiều doanh nghiệp áp dụng nhiều giải pháp để tồn tại, như cắt giảm chi phí không cần thiết, sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả cũng như tăng năng suất lao động...
Còn với nông dân, theo các chuyên gia nông nghiệp, để vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay, người nuôi cần kéo tôm về size lớn và giảm tối đa giá thành.
Tuy nhiên, căn cơ vẫn là tháo gỡ khó khăn hiện tại. Chính vì vậy, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ ban hành sẽ là trợ lực cho ngành hàng này.
Theo các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, Việt Nam vẫn còn lợi thế về hàng giá trị gia tăng với sức tiêu thụ khá tốt, cùng với đó là thực hiện tốt giải pháp về hạ giá thành, áp dụng khoa học công nghệ. Có như vậy, những mắt xích quan trọng của cả ngành hàng mới có thể trụ lại và chờ thị trường.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm