Thị trường hàng hóa
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, dù thị trường thế giới biến động và có nhiều khó khăn, song tính đến hết tháng 10, xuất khẩu thủy sản đã đạt 9,5 tỷ USD (tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái). Đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành phải kể đến cá tra với kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng qua đạt 2,2 tỷ USD (tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái).
Ngoài ra, mặt hàng tôm đạt gần 3,8 tỷ USD (tăng 19%); cá ngừ đạt 890 triệu USD (tăng 50%). Dự kiến năm nay, lần đầu tiên cá ngừ lọt vào danh sách ngành hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Với sự tăng trưởng ngoạn mục, dự báo đến cuối tháng 11, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD - mốc kỷ lục của ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới. Năm nay, cả ngành dự kiến sẽ đạt con số 11 tỷ USD (tăng 25% so với năm 2021), đưa kim ngạch của ngành thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.
Trên bản đồ xuất khẩu thuỷ sản thế giới, hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy – 2 cường quốc có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Với kết quả của năm 2022, ước tính thuỷ sản Việt Nam sẽ chiếm trên 7% thị phần thế giới.
Theo VASEP, bước vào quý 4, các doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt với hàng loạt khó khăn đang kìm hãm sự phát triển của ngành. Điển hình như từ giữa năm đến nay, nhiều ngân hàng đã cắt giảm mạnh tín dụng với các doanh nghiệp thủy sản mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều DN mới chỉ giải ngân được 60-80%. Điều này khiến các doanh nghiệp không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất phải hoạt động cầm chừng.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm