Thị trường hàng hóa
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản tháng 4 đầu năm đạt 5,14 tỷ USD, tăng 19,7% so với T4/2023. Cụ thể, xuất khẩu nông sản chính 2,83 tỷ USD (tăng 29,2%), lâm sản 1,39 tỷ USD (tăng 18,6%), chăn nuôi 40,8 triệu USD (tăng 5,9%), đầu vào sản xuất 157 triệu USD (tăng 0,5%).
Tính chung 4 tháng, các nhóm hàng XK đều tăng nên kim ngạch XK tăng, đạt 19,06 tỷ USD. Đóng góp vào kết quả này có: nông sản 10,44 tỷ USD, tăng 32,5%; lâm sản 5,18 tỷ USD, tăng 22,8%; thủy sản 2,68 tỷ USD, tăng 4,2%; chăn nuôi 152 triệu USD, tăng 3,6%; đầu vào sản xuất 616 triệu USD, tăng 2,6%.
Về thị trường, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất nông lâm thủy sản Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí thứ 2, chiếm 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023.
4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc chiếm 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng cao.
Riêng tại thị trường Trung Quốc, Hiệp Hội rau quả Việt Nam khẳng định, sầu riêng vẫn giữ giá bán tốt, trở thành trái cây mang lại giá trị xuất khẩu cao hàng đầu trong cơ cấu nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam. Hiện nay, xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng sang thị trường này tiếp tục là điểm sáng.
Chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, lực lượng chức năng ở các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đã làm thủ tục thông quan cho trên 5.300 phương tiện. Trong đó, hơn 2.100 phương tiện là hoa quả xuất khẩu. Tổng trọng lượng nông sản xuất nhập khẩu khoảng trên 55.790 tấn, bao gồm hoa quả các loại, các sản phẩm từ nông sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xúc tiến mở rộng thêm 3 đối tượng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh.
Đồng thời, bộ đã ký với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) nghị định thư về xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở hai bên biên giới. Điều này sẽ giúp tăng cường xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật sang thị trường rộng lớn này.
Để tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý các doanh nghiệp, địa phương, các hiệp hội ngành hàng cần chú trọng đặc biệt về chất lượng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và các mã vùng trồng, cơ sở chế biến đóng gói. Bởi yêu cầu của thị trường Trung Quốc ngày càng khắt khe hơn.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm