Thị trường hàng hóa
Hiện Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới khi đã xuất khẩu 36 mặt hàng dệt may sang 104 thị trường. Trong đó, Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.
6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang EU chiếm 11,54% trong tổng kim ngạch, đạt gần 1,91 tỷ USD, tăng 1,63%. Xuất khẩu sang EU, một trong những thị trường tiêu thụ lớn bên cạnh Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang hồi phục, nhưng mức hồi phục chỉ là nhẹ. Năm ngoái, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU chịu nhiều ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, thương mại toàn cầu, chỉ đạt 3,843 tỷ USD, giảm 14,1% so với năm 2022.
Nửa đầu năm 2024, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan, thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam thuộc khối này ghi nhận phục hồi mạnh nhất, mang về xấp xỉ 565,29 triệu USD, tăng 19,97% so với cùng kỳ, chiếm 29,65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng dệt may sang Séc mặc dù kim ngạch không cao, chỉ đạt gần 14,52 triệu USD nhưng so với cùng kỳ năm 2023 tăng rất mạnh 48,98%. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Slovakia cũng tăng mạnh 55,32%, đạt trên 2,39 triệu USD; xuất khẩu sang Luxembourg tăng 24,76%, đạt trên 1,74 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu hàng dệt may giảm mạnh ở các thị trường như: Áo giảm 32,37%, đạt gần 4,17 triệu USD; Hungary giảm 31,21%, đạt trên 0,57 triệu USD.
Đức là một trong số các thị trường chưa có sự phục hồi, thậm chí tiếp tục giảm so với năm trước. Cụ thể, 6 tháng qua, hàng dệt may xuất sang Đức mới đạt 363,65 triệu USD, giảm 18,26% so với cùng kỳ.
Dự báo, xuất khẩu hàng dệt may sang EU nửa cuối năm 2024 sẽ phục hồi rõ nét hơn khi vào mùa nghỉ lễ (Giáng sinh, Tết dương lịch).
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm