Thị trường hàng hóa
Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu cá tra sang Đức đạt 23 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 2%. Sau khi tăng nhập khẩu những tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã chứng kiến tăng trưởng âm trong 3 tháng liên tiếp là tháng 6, 7 và 8.
Tháng 8/2023, xuất khẩu cá tra sang Đức đạt hơn 2 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu trong tháng 7 ghi nhận mức sụt giảm tới 28%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 8/2023, Đức vẫn duy trì vị trí số 2 trong khối thị trường EU về nhập khẩu cá tra Việt Nam sau Hà Lan, đóng góp 20% giá trị vào tổng nhập khẩu của EU.
Trước đó, 5 tháng đầu năm nay Đức luôn thuộc top thị trường duy trì tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam bất chấp biến động của thế giới. Đức cũng là một trong số ít những thị trường ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số từ 20% - 84% trong 5 tháng đầu năm nay trong khi hầu hết xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác đều giảm.
Đáng chú ý, tháng 3/2023 xuất khẩu cá tra sang Đức tăng gấp 2 - 3 lần so với tháng 3/2022, đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm nay.
Giống như các thị trường khác trong khối EU, Đức nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm cá tra phile, cắt khúc đông lạnh.
6 tháng đầu năm nay, top doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Đức bao gồm: Vĩnh Hoàn chiếm tỷ trọng 20%, GODACO 13%, Hùng Cá 11%, Đại Thành 9%…
VASEP nhận định, kinh tế Đức đang đứng trước nhiều khó khăn, được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trong nhóm G7 tăng trưởng âm trong năm 2023. Lạm phát ở Đức hiện đang ở mức 6,5% trong tháng 7/2023 và có khả năng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong một thời gian dài trước khi hạ xuống mục tiêu 2% mà ECB đặt ra, bất chấp giá năng lượng đã hạ nhiệt.
Do đó, dự kiến các tháng tiếp theo, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Đức vẫn chưa thể phục hồi.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm