Thị trường hàng hóa
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cá tra đạt 2,3 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát toàn cầu kéo nhu cầu tiêu thụ cá tra của các thị trường đi xuống trong nửa cuối năm, song xuất khẩu cá tra cả năm 2022 được dự báo sẽ lập kỷ lục với kim ngạch 2,4 - 2,5 tỷ USD, doanh số kỷ lục với mức tăng trưởng kỷ lục gần 80% so với năm 2021.
“Năm 2022, thị trường thế giới bất ổn vì lạm phát cao, xung đột Nga - Ukraine, biến động tiền tệ, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, nhưng các doanh nghiệp cá tra đã chủ động và linh hoạt, biến thách thức thành cơ hội, tranh thủ cơ hội nhu cầu thị trường hồi phục, giá xuất khẩu tăng và nguồn cung cá thịt trắng bị hạn chế, để gia tăng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam”, VASEP đánh giá.
Đáng chú ý, theo VASEP, tính đến hết tháng 11, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 636 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Hồng Kông đạt gần 38 triệu USD, tăng 46%. Riêng sản phẩm cá tra phile đông lạnh mã HS 0304 xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 472 triệu USD, chiếm 74% giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này. Trong số các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc thu hút số doanh nghiệp xuất khẩu đông đảo nhất. Năm 2022, tính đến thời điểm này, có hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam có mặt hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định, năm 2022 sẽ đánh dấu cột mốc mới cho ngành hàng cá tra sau 27 năm phát triển. Khởi đầu với con số khiêm tốn 1,6 triệu USD năm 1997, xuất khẩu cá tra đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc bị truyền thông xấu dìm xuống, đơn hàng của doanh nghiệp giảm, giá cá trong nước trồi sụt, bấp bênh nhưng cũng có thời điểm thăng hoa với kim ngạch 2,2 tỷ USD. Với hành trình năm 2022, ông Luân cho rằng xuất khẩu cá tra đang tạo nên kỳ tích khi đóng góp gần 22% vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Đình Luân cho rằng, ngành hàng cá tra cũng cần nhìn lại, hiện nay 97% cá tra xuất khẩu dưới dạng phi lê (thịt cá tra chiếm 60% tổng thể), sản phẩm giá trị gia tăng và phụ phẩm chưa được khai thác triệt để.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hà Luân - Bí thư Thành ủy Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) - cho biết, hiện cá tra là mặt hàng chủ lực trong tái cơ cấu kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Tháp, nguồn thu từ cá tra đã vượt qua cả lúa gạo. “Nếu doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất cá phile thì sẽ hạn hẹp, dễ gặp tác động tiêu cực từ thị trường, tồn kho nhiều. Do vậy, tỉnh Đồng Tháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm đến việc đa dạng các sản phẩm giá trị gia tăng từ con cá tra”, ông Lê Hà Luân nói.
Cũng theo ông ông Lê Hà Luân, thực tế, các phụ phẩm từ cá tra như da, xương, mỡ, tiết, ruột… đều có thể tạo thành các sản phẩm giá trị gia tăng. Song hiện nay, các doanh nghiệp mới tập trung vào hai sản phẩm phổ biến là collagen và dầu ăn, còn các phần còn lại chủ yếu sử dụng trong chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc. Vấn đề này dự kiến được hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp thảo luận trong Lễ hội cá tra lần thứ Nhất năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 16 - 17/12/2022, tại Đồng Tháp.
Cũng tại Lễ hội cá tra lần thứ Nhất năm 2022, theo kế hoạch, Công ty Vĩnh Hoàn sẽ công bố ấn phẩm hơn 200 món ăn chế biến từ thịt và các bộ phận của cá tra, phù hợp với khẩu vị của khách tiêu dùng nội địa và các thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… Ông Lê Hà Luân cho rằng, việc doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới, thuyết phục khách hàng thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường, đa dạng đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hồng Ngự nói thêm một điểm nghẽn khác của ngành hàng cá tra là chất lượng giống, tỷ lệ nuôi thành công chưa cao, môi trường, biến đổi khí hậu...
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, sản lượng cá tra dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 2,4 tỷ USD là đỉnh cao nhất trong lịch sử của ngành hàng. Hiện nay, ngành hàng cá tra tiếp tục định hướng phát triển theo hướng phát triển bền vững, hướng nâng cao chất lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra, ông Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành hàng này cần nhiều giải pháp đồng bộ như: liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và doanh nghiệp. Quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra và tập trung nâng cao chất lượng con giống; chất lượng di truyền về một số tình trạng như tăng trưởng, kháng bệnh, tỷ lệ phile, chịu mặn...
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo tình hình cung - cầu; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm cũng đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của ngành hàng cá tra.
Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị; sử dụng hiệu quả phụ phẩm; phát triển thương mại điện tử và kinh tế tuần hoàn; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ bao gồm thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu dùng nội địa.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm