Thị trường hàng hóa
ESG bao gồm ba yếu tố cốt lõi, được cho là thiết yếu đối với sự phát triển của các doanh nghiệp và xã hội, bao gồm xã hội (Social), quản trị (Governance) và môi trường (Environmental). Trong đó, xã hội và quản trị liên quan trực tiếp đến văn hoá doanh nghiệp, còn môi trường đóng vai trò quan trọng trong hành trình hướng đến mục tiêu “Phát thải ròng bằng 0” (Net Zero).
Khác với trước đây khi ESG chỉ được sử dụng để đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thì hiện nay, các yếu tố này đang dần trở thành chìa khóa giúp doanh nghiệp giữ chân nhân tài, thu hút khách hàng, và phát triển bền vững. Là khu vực có tới 20 trong tổng số 36 siêu đô thị trên toàn thế giới, Châu Á - Thái Bình Dương dự đoán tới năm 2050 sẽ đạt mức tăng 52% đối với dân số đô thị và 65% đối với nguồn cung bất động sản.
Thách thức đối với các nhà phát triển, nhà đầu tư và quản lý bất động sản là làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu bất động sản ngày càng gia tăng, đồng thời đảm bảo tính bền vững và giảm thiểu phát thải carbon. Theo báo cáo Asia Pacific ESG của Công ty BĐS Savills, hiện Úc, Hồng Kông, Nhật Bản, New Zealand và Singapore là những quốc gia đang đi đầu về xu hướng bất động sản bền vững. Ngoài ra, các thị trường như Trung Quốc và Việt Nam cũng đang phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực này.
Tính bền vững là một trong những yếu tố chủ chốt có tác động tới bất động sản thương mại. Với nhu cầu gia tăng số lượng các công trình xanh, nhà đầu tư cần cân nhắc về các cách mà ESG có thể giúp họ quản lý rủi ro, đảm bảo tính minh bạch, tiết kiệm chi phí và tăng doanh thu.
Với văn phòng xanh, doanh nghiệp có thể xây dựng môi trường làm việc lành mạnh hơn, giảm thiểu các chi phí vận hành, và giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Chuyên gia Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, cho biết, ESG đang dần được coi là yêu cầu thiết yếu đối với các doanh nghiệp hiện đại.
Các tòa nhà thân thiện với môi trường, được phát triển tuân theo những tiêu chuẩn về ESG, có nhiều khả năng thu hút khách thuê hơn trong thời gian dài. Hiện nay, hầu hết các tập đoàn đa quốc gia đều phải đáp ứng những yêu cầu về ESG. Do đó, các dự án bất động sản tuân thủ ESG đều được coi là một khoản đầu tư tốt, giúp giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Sam Crispin, Giám đốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương về Phát triển Bền vững và ESG cũng nhận định, xu hướng về giá thuê và vốn đầu tư đối với các tòa nhà xanh trong khu vực đang gia tăng. Bất động sản mới, nổi bật, và đạt các tiêu chuẩn bền vững thường có mức giá thuê cao hơn từ 5% đến 10% so với những tòa nhà thông thường.
Ông Crispin cũng cho biết thêm, dữ liệu của Công ty Savills đã ghi nhận một số giao dịch không thành công do tòa nhà không đạt được các tiêu chí về môi trường. Ông cho rằng đó là một cơ hội tốt, đặc biệt đối với các nhà đầu tư có chuyên môn, để nâng cấp và làm tăng giá trị của bất động sản.
Tại Singapore, 95% trên tổng diện tích văn phòng hạng A trên thị trường được chứng nhận xanh, theo sau đó là Kuala Lumpur với 64% và Hong Kong với 47%. Nếu tính theo khối lượng, Tokyo có nguồn cung lớn nhất khu vực với 8,6 triệu m2 sàn văn phòng xanh, tiếp đến là Bengaluru với 7,4 triệu m2, Thượng Hải với 6,0 triệu m2, và Bắc Kinh với 5,0 triệu m2.
Trong 10 năm tới, nguồn cung văn phòng xanh dự kiến cũng được thúc đẩy tại Trung Quốc và Ấn Độ. Việc bắt đầu muộn hơn các nước phương Tây sẽ cho Việt Nam có nhiều cơ hội để học hỏi trong hành trình phát triển bền vững.
Sau đại dịch, nhu cầu về văn phòng xanh tăng cao với ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm kiếm không gian xanh, linh hoạt và làm việc nhóm. Nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và năng suất của doanh nghiệp, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp BĐS đầu tư và tái định hình lại thị trường văn phòng theo hướng ESG.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm