Thị trường hàng hóa
Khảo sát của Nielsen (2021) chỉ ra rằng, có đến 86% số người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm đến từ thương hiệu có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường (tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á là 76%).
Việc doanh nghiệp cam kết có trách nhiệm với môi trường cũng tác động đến quyết định mua hàng của 62% số người tiêu dùng Việt. Tiêu dùng hàng hóa thân thiện môi trường chủ yếu tập trung ở tập người có trình độ học vấn cao, am hiểu cũng như quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thân thiện với môi trường hơn so với các nhóm khác.
Khảo sát của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) cho thấy, sử dụng hàng hóa xanh được hầu hết các nhóm khách hàng lựa chọn, tuy nhiên đối với các hàng hóa được dán nhãn sinh thái thì người tiêu dùng có thu nhập cao (trên 11 triệu đồng/tháng) chiếm tỷ trọng lớn hơn.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, thông qua nhiều Luật, Chiến lược, Chương trình và nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển hàng hóa thân thiện môi trường đã được triển khai hiệu quả như: Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, thúc đẩy đổi mới, áp dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, thực hiện chứng nhận, dán Nhãn Xanh Việt Nam, Nhãn Năng lượng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn chất thải, hạn chế việc sử dụng bao bì khó phân huỷ, thay thế bằng bao bì thân thiện với môi trường, từng bước hình hành những thói quen tiêu dùng bền vững.
Tuy vậy, nhận thức của cộng đồng hiện nay vẫn chưa cao. Kết quả điều tra khảo sát của Viện ISPONRE cho thấy, người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn chưa có đầy đủ nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng hàng hóa và mức độ hiểu biết của họ về hàng hóa thân thiện môi trường còn hạn chế (gần 72% người được hỏi đã nghe nói tới nhưng không hiểu rõ về sản phẩm hàng hóa thân thiện môi trường).
Chi phí để sản xuất ra sản phẩm thân thiện môi trường thường lớn hơn nhiều so với loại hàng hóa tương tự, nên giá thành cao và không có khả năng cạnh tranh trên thị trường (mức giá trung bình của các hàng hóa thân thiện môi trường thường cao hơn 20-40% so với các loại hàng hóa tiêu dùng cùng loại).
Số lượng doanh nghiệp chủ động đầu tư, đổi mới mô hình sản xuất theo hướng hiện đại vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực, lựa chọn công nghệ phù hợp, các kênh/hình phức phân phối hàng hóa thân thiện môi trường chưa phát triển.
Số lượng hàng hóa được dán Nhãn Xanh Việt Nam còn rất hạn chế. Một số hàng hóa xuất hiện trên thị trường mới chỉ ở cấp độ thấp của hàng hóa thân thiện môi trường. Thực tế cho thấy, so với nhiều nước trong khu vực và phát triển, nguồn cung hàng hóa thân thiện môi trường ở nước ta vẫn còn khá sơ khai. Số lượng các loại hàng hóa đạt tiêu chuẩn còn ít, mới chỉ tập trung ở một số hàng hóa nhất định.
Để góp phần vào thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xanh hóa nền kinh tế và bảo vệ môi trường ở nước ta, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển thị trường hàng hóa thân thiện môi trường, hàng hóa xanh là điều cần thiết.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách vĩ mô thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa thân thiện môi trường. Có chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường, đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn nền kinh tế xanh.
Xác định các ngành/lĩnh vực trọng tâm có khả năng phát triển, trước hết, cần tập trung vào các hàng hóa mà hiện nay Việt Nam có thế mạnh như: Nhóm hàng hóa có khả năng thay đổi đầu vào là tài nguyên thiên nhiên bằng các nguồn đầu vào tái tạo hay thân thiện khí hậu (ngành tái chế); Nhóm các hàng hóa có khả năng áp dụng sản xuất sinh thái (rau quả an toàn, hữu cơ…); Nhóm hàng hóa năng lượng thay thế (năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh học).
Sử dụng công cụ thuế, phí để điều tiết, định hướng sản xuất cũng như tiêu dùng. Ví dụ như ưu đãi thuế, phí, nguồn lực cho những công nghệ, quy trình sản xuất sản phẩm hàng hóa thân thiện môi trường và ngược lại áp thuế cao những công nghệ, quy trình sản xuất lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm. Sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành hệ thống thuế Tiêu dùng xanh khuyến khích sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu các loại hàng hóa thân thiện môi trường.
Về phía doanh nghiệp, phối hợp với chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của hành vi tiêu dùng xanh đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Tăng cường liên kết hợp tác giữa các nhà phân phối trong nước kể cả mua bán, sát nhập để tạo sức mạnh tài chính đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống xây dựng thương hiệu; liên kết giữa nhà sản xuất, nhà phân phối để ổn định nguồn hàng, thị trường tiêu thụ. Từng bước hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và bán hàng hóa.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm