Thị trường hàng hóa
Theo quan niệm quốc tế, cửa hàng tiện lợi hay cửa hàng tiện ích (Convenience store) là một loại hình doanh nghiệp bán lẻ quy mô nhỏ với sản phẩm là một loạt các mặt hàng hàng ngày như cửa hàng tạp hoá, đồ ăn,bánh kẹo,nước giải khát,sản phẩm ăn liền,thuốc không bán theo toa,đồ vệ sinh cá nhân... Ở một số khu vực pháp lý,các cửa hàng tiện lợi được cấp phép bán rượu,thường là bia và rượu vang. Các cửa hàng này cũng có thể cung cấp dịch vụ chuyển tiền và chuyển khoản ngân hàng, nạp card điện thoại cùng với việc sử dụng máy fax và/hoặc máy photocopy với chi phí cho mỗi bản sao nhỏ (phiếu tính tiền hoặc bill).
Chúng khác với các cửa hàng tổng hợp và siêu thị ở chỗ chúng được sử dụng như một sự bổ sung tiện lợi cho các cửa hàng lớn hơn. Cửa hàng tiện lợi thường tính giá cao hơn đáng kể so với các cửa hàng tạp hóa thông thường hoặc siêu thị, vì các cửa hàng này đặt số lượng hàng tồn kho nhỏ hơn với mức giá trên mỗi đơn vị cao hơn từ người bán buôn. Tuy nhiên, các cửa hàng tiện lợi bù đắp cho sự mất mát này bằng số giờ mở cửa lâu hơn, phục vụ nhiều địa điểm hơn và có các cách thức thu ngân ngắn hơn.
Có thông tin cho rằng, từ thế kỷ 14 ở phương Tây đã xuất hiện cửa hàng tiện lợi. Ban đầu chúng chỉ là một đại lý hàng hoá bán các đồ ăn để khô hoặc các loại đồ ăn chế biến sẵn như các loại gia vị, hạt tiêu, đường và ca cao, chè (trà) và cà phê. Các mặt hàng này đã được mua với số lượng lớn, do đó các cửa hàng tạp hóa trở nên thịnh hành trong hệ thống bán buôn. Khi số lượng ngày càng tăng của lương thực thực phẩm làm sẵn, thực phẩm đóng hộp và đóng gói thì hoạt động thương mại mở rộng trên địa địa bàn.
Từ xa xưa, cha ông ta đã đúc kết “phi thương bất phú” song dù sớm nhận thức rõ vai trò quan trọng của Công Thương nhưng do phải lo chống giặc ngoại xâm khiến ông cha ta không đủ thời giờ, tâm trí để xây dựng và phát triển đất nước phồn thịnh theo đúng ý nghĩa của câu thành ngữ này.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, phát triển giao thương càng được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm với đột phá từ Đại hội VI, đại hội khởi đầu đổi mới. Đảng ta đã đề ra ba chương trình mục tiêu về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Năm 2012, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/02/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trong nghị quyết này có hẳn một phần nội dung về phát triển hạ tầng thương mại, nêu rõ: “Phát triển hạ tầng thương mại tại các trung tâm sản xuất và tiêu thụ hàng hoá lớn tại các cảng cửa ngõ, các khu kinh tế cửa khẩu. Phát triển các chợ đầu mối nông sản, các trung tâm phân phối lớn, trung tâm bán buôn theo nhóm hàng nông sản, các cửa hàng tiện lợi ở nông thôn; các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các đô thị lớn, đô thị trung tâm vùng, các thành phố, tỉnh lỵ.
Đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia, nâng cấp các trung tâm hội chợ triển lãm thương mại hiện có tại các thành phố lớn. Xây dựng các trung tâm hội chợ triển lãm thương mại quy mô vừa tại các tỉnh, thành phố có vị trí trung tâm vùng. Phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử…”.
Như vậy có thể thấy rất rõ, cụm từ cửa hàng tiện lợi đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng từ rất sớm.
Ngày 15/01/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định đã nêu rõ khái niệm cửa hàng tiện lợi là cơ sở bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng nhanh, bao gồm: Thực phẩm, đồ uống, dược phẩm không kê đơn, thực phẩm chức năng và các sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe, hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác phục vụ tiêu dùng hàng ngày.
Sau Đại hội XIII của Đảng, vấn đề phát triển thị trường nội địa ngày càng được quan tâm sâu sắc hơn. Với sự nỗ lực của ngành Công Thương, ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết nhấn mạnh: “Phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới”.
Căn cứ vào mục tiêu trên, Chiến lược đề ra các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn. Đặc biệt, vấn đề phát triển thương mại thông qua loại hình cửa hàng tiện lợi đã được đề cập trong giai đoạn 2021 -2030: Giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9,0 - 9,5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15,0 - 15,5% vào GDP cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 13,0 - 13,5%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 15% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho) trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chiếm khoảng 38 - 42% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế”.
(Còn nữa)
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm