Thị trường hàng hóa
Xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vượt mức 1 tỷ USD chỉ trong 10 tháng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 18.415 tấn, trị giá 120,6 triệu USD, tăng 7,7% về lượng, đồng thời tăng 9,1% về trị giá so với tháng trước; nhưng giảm 4,8% về lượng và tăng tới 65,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đạt 218.732 tấn, trị giá 1,11 tỷ USD, giảm 3% về lượng nhưng tăng đến 47% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, sau 10 năm, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đã giành lại được mốc 1 tỷ USD và dự báo cả năm 2024 sẽ lập mốc kỷ lục mới với 1,3 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tăng mạnh là nhờ giá tiêu xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2024 cao hơn 51,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt bình quân 5.077 USD/tấn.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam trong 10 tháng đầu năm, chiếm 29,3% khối lượng và 30,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 64.112 tấn, trị giá 337,8 triệu USD, tăng 48% về lượng và 95,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Đức xếp thứ hai, tăng tới 82,3% về lượng và gấp 2,4 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 14.346 tấn, trị giá 79,6 triệu USD, chiếm 6,6% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng.
Tiếp theo là các thị trường: UAE với 13.575 tấn, chiếm 6,2%, tăng 35,9%; Ấn Độ với 9.462 tấn, chiếm 4,3%. Ngoài ra, lượng tiêu xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như Hà Lan, Hàn Quốc, Nga, Anh, Pakistan, Ai Cập, Thái Lan, Pháp,… đều tăng trưởng ở mức 2 con số.
Ở chiều ngược lại, theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), Trung Quốc đã tụt từ vị trí số xuống vị trí thứ 6 về thị trường xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam, với khối lượng đạt 9.252 tấn, giảm đến 84% so với cùng kỳ.
Việt Nam tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu
Vài tháng nữa, cả nước sẽ bước vào vụ thu hoạch mới, theo các chuyên gia, sản lượng vụ tới sẽ đạt khoảng 170.000 tấn.
Đáng nói, qua 1 năm hồ tiêu được giá, người dân cũng không ồ ạt trồng mới hồ tiêu mà thay vào đó tập trung tăng năng suất bằng các biện pháp hữu cơ. Người dân cũng được nâng cao nhận thức, chủ động hơn khi tham gia thị trường.
Hiện nay, các vườn hồ tiêu trồng thuần không còn nhiều, thay vào đó là trồng xen với cà phê và các loại cây ăn quả. Điều này cũng giúp các cây bổ trợ cho nhau về dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.
Với nhiều đổi mới và chiến lược đúng ở nhiều địa phương đem lại sự tin tưởng Việt Nam tiếp tục là quốc gia sản xuất, và chiếm giữ thị phần dẫn đầu thế giới về mặt hàng nông sản này.
Cả nước hiện có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu, trong đó có 15 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm 70% lượng xuất khẩu cả nước. Toàn ngành hàng có 14 nhà máy chế biến sâu. Đặc biệt, có 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chiếm gần 30% thị phần xuất khẩu.
Công nghệ chế biến hồ tiêu Việt Nam đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của thị trường thế giới nói chung. Các doanh nghiệp có nhà máy chế biến công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA đã tạo ra sản phẩm đa dạng: Tiêu đen, trắng nguyên hạt, tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ.
Ngoài ra, ngành hồ tiêu Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội lớn để gia tăng hơn nữa kim ngạch xuất khẩu vào thị trường UAE do Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA) mới được ký kết vào cuối tháng 10/2024.
Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, hạt tiêu và mật ong sẽ có cơ hội thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường UAE và Trung Đông nhờ thuế giảm. Hơn nữa đây là khu vực có nhu cầu lớn về nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ cũng như có chứng chỉ Halal.
Với Hiệp định CEPA, UAE cam kết xoá bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm