Thị trường hàng hóa
4 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu của nhiều ngành hàng đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó ngành gỗ chỉ đạt kim ngạch 3,9 tỷ USD, giảm 30,4%; thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD, giảm trên 30%; dệt may cũng chỉ ở mức khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước (trị giá tuyệt đối giảm gần 3 tỷ USD); tương tự giày dép cũng hụt hơi cả tỷ USD và chỉ mang về 6,13 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ… Những con số kể trên cho thấy, xuất khẩu các ngành hàng đang rất khó khăn, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm để có thể duy trì sản xuất chờ thị trường phục hồi.
Tuy vậy, theo cộng đồng doanh nghiệp thì trong lúc khó khăn như hiện nay thì lãi suất ngân hàng lại tăng cao, kéo theo đó là chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng lên, tạo áp lực lớn cho họ trong giai đoạn này.
Bối cảnh khó khăn đó mặc dù các doanh nghiệp đều cố gắng tìm mọi cách tiết giảm chi phí, dùy trì hoạt động song câu chuyện hàng bán chậm, tồn kho tăng cao khiến họ thiếu vốn đã xảy ra phổ biến. Mong mỏi của doanh nghiệp lúc này là được tiếp cận vốn với chính sách “dễ thở” hơn, để họ có thể xoay sở trả lương giữ chân người lao động cũng như giữ cho nhà máy sản xuất luôn "sáng đèn".
Bàn về lãi suất và tiếp cận vốn ngân hàng, ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất - Thương mại Sadaco (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ rằng, các doanh nghiệp tiếp cận vốn đã khó nay lại thêm lãi cao nên hành trình tiếp cận vốn càng gian nan hơn. "Với mặt bằng lãi vay đang ở mức 8% như hiện nay là quá cao và doanh nghiệp cũng không thể hấp thụ được"- ông Mạnh bày tỏ.
Theo ông Mạnh thì các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đang gặp khó về đầu ra, chi phí sản xuất lại đang tăng theo giá điện, tiền lương… Do đó mức lãi 8% đối với sức khỏe của doanh nghiệp trong buối cảnh hiện nay cũng không đủ sức hấp thụ.
Điều quan trọng thứ 2 với vốn và lãi là các điều kiện cho vay không được hạ thấp mà lại thắt chặt trong khi thực tế không thể phủ nhận là doanh nghiệp đang ngày càng khó khăn và càng khó đáp ứng các tiêu chuẩn được được vay vốn hơn. Chính vì vậy mà việc tiếp cận vốn ngày càng khó khăn hơi đối với các doanh nghiệp đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ.
Thậm chí ngay cả với những ngành hàng hiện đang là điểm sáng trong xuất khẩu như lúa gạo, dù sẵn có hợp đồng, thị trường rộng mở nhưng quá trình tiếp cận vốn cũng gian nan không kém. Minh chứng là rất nhiều doanh nghiệp lúa gạo đang trông chờ được vay vốn tín dụng để thu mua lúa vụ Hè Thu sắp tới nhưng không được, do ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng (theo thời điểm) cho các thương nhân xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp ngành lúa gạo thì với đặc thù sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, việc duy trì mức dự trữ lưu thông 5% theo quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP cũng gây áp lực khá lớn lên doanh nghiệp.
Trên thực tế thời gian vừa qua câu chuyện khó tiếp cận vốn vay, lãi vay còn cao hay các gói tín dụng dù đưa ra nhưng doanh nghiệp vẫn không dễ để tiếp cận đã không còn mới. Và nhiều doanh nghiệp đã rất mệt mỏi, họ không còn muốn "kêu" nữa mà thay vào đó tự điều chỉnh lại hoạt động, hạn chế đầu tư mới hoặc cắt giảm hết những chi phí có thể. Chính vì vậy, đối với cộng đồng doanh nghiệp, điều quan trọng nhất lúc này là tạo điều kiện cho họ được tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp, để từ đó doanh nghiệp thoát khỏi vòng luẩn quẩn không thể tiếp cận vốn như hiện nay.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm