Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,66 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước và giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 89,5 tỷ USD, giảm 7,1% so với quý III/2022 và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng trước và giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý IV/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 85,07 tỷ USD, giảm 5,8% so với quý III/2022 và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, bằng năm trước.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD.
"Cán cân thương mại hàng hóa tháng 12 ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước xuất siêu 3,32 tỷ USD)", báo cáo của cơ quan thống kê quốc gia cho biết.
Như vậy, cán cân thương mại năm 2022 tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gấp hơn 3 lần năm trước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 lần đầu vượt 700 tỷ USD (đạt 732 tỷ USD) đã đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam trong hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn tới.
Đánh giá về chất lượng hoạt động xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây chính là yếu tố then chốt để thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá của người tiêu dùng đối với hàng hóa của Việt Nam.
Điều này đã thể hiện ở tỉ trọng hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao hơn: Năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỉ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu; có 39 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 nhóm hàng so với năm 2021; có 9 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 1 nhóm hàng so với năm 2021.
Ngoài các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp, thì nhóm hàng nông, lâm, thủy sản... đã phát huy vai trò cột trụ đóng góp vào hoạt động thương mại của cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Công Thương, diễn ra vào ngày 26/12/2022, dù đạt mức kim ngạch tăng cao, nhưng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Đến nay, các nước đã tiến hành điều tra 225 vụ việc phòng vệ thương mại với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Đáng chú ý, tính riêng 11 tháng đầu năm 2022, Mỹ đã khởi xướng mới 10 vụ việc điều tra phòng vệ, chống lẩn tránh thuế với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ấn Độ, Úc, Mexico khởi xướng 3 vụ việc điều tra chống bán phá giá. Ấn Độ, Morocco cũng khởi xướng điều tra 2 vụ việc tự vệ.
Trong khi đó, tốc độ tăng xuất khẩu chậm lại bắt đầu từ quý IV/2022, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh gia tăng trên thị trường quốc tế. Chi phí đầu vào tăng nhưng giá không tăng khiến một số hàng xuất khẩu giảm sức cạnh tranh. Đặc biệt, xuất khẩu tăng cao, nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI, kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu). Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.
Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm, nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm. Một số mặt hàng chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá xuất khẩu giảm, đã làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm... Điều này đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng xuất khẩu chung của cả nước.
Năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo diễn biến phức tạp và khó khăn hơn, nhiều khả năng suy thoái dẫn đến mức tăng trưởng dưới 1%. Đây sẽ là thách thức rất lớn với nền kinh tế nói chung, lĩnh vực xuất khẩu nói riêng.
Năm 2023, ngành Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 6%; cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa các dự án vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Các doanh nghiệp chủ động nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu lân cận, lưu ý các quy tiêu chuẩn khi hầu hết các thị trường chủ đạo cho xuất khẩu của Việt Nam như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục thắt chặt các tiêu chí nhập khẩu liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm./.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm