Thị trường hàng hóa
Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 liên tục tăng trưởng
6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 4,24 triệu tấn gạo với trị giá 2,26 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và tăng 32,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 533 USD/tấn, tăng 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022.
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại các thị trường khu vực, xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường tuyền thống và thị trường có FTA thế hệ mới.
Cụ thể, khu vực thị trường châu Á tiếp tục tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng năm 2023, đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp đến là khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 2%) trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam nhưng vẫn đạt 84,5 nghìn tấn, tăng trưởng tốt hơn 28% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực thị trường châu Phi ghi nhận sự tăng trưởng, xuất khẩu gạo đạt hơn 631 nghìn tấn, chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số thị trường truyền thống tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022. Điển hình là Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 (tương đương xuất khẩu đạt gần 1,7 triệu tấn) tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Đứng thứ 2 là Trung Quốc chiếm trên 16% trong tổng lượng xuất khẩu (tương đương 677,4 nghìn tấn) tăng 60,7% so với cùng kỳ năm 2022. Indonesia đứng thứ 3, chiếm 11,6% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (tương đương 492,8 nghìn tấn) tăng 15 lần về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Các thị trường nhập khẩu gạo đã có biện pháp kiểm soát an ninh lương thực
Trước bối cảnh suy giảm nguồn cung và giá lương thực tăng cao, các thị trường nhập khẩu gạo đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước, bình ổn giá cũng như kiểm soát an ninh lương thực nội địa.
Tại Philippines, Chủ tịch Phòng Nông nghiệp và Lương thực Philippines (PCAFI) cho biết, Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ làm tăng hoạt động đầu cơ và cạnh tranh, chuyển đơn hàng nhập khẩu các nước xuất khẩu gạo khác, đẩy giá lên cao, gây thêm áp lực lên giá gạo nội địa nước này.
Giám đốc quốc gia của Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) cho biết các thương nhân hiện đang xem xét về thông tin về nguồn cung và giá từ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam. Sau khi lệnh cám có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Philippines đã chấp nhận giá chào mới từ các doanh nghiệp Việt Nam để có hàng trong tháng 8 khi vụ Hè Thu thu hoạch.
Đồng thời, do lo ngại về tác động của El Nino trong vụ thu hoạch thứ hai (bắt đầu từ tháng 11, thu hoạch vào tháng 2/tháng 3), để khuyến khích nông dân trồng nhiều hơn, Chính phủ Philippines cũng đã cung cấp các khoản trợ cấp trực tiếp, hỗ trợ cơ sở vật chất sau thu hoạch và phân phối đất miễn phí cho nông dân; đồng thời kêu gọi, cho phép nông dân trồng lúa mua nguyên liệu đầu vào sản xuất xuất với giá chiết khấu, phát triển tưới tiêu, hạ tầng sau thu hoạch.
Indonesia dự khiến giá gạo nội địa tăng mạnh, do hiện tượng thời tiết bất thường của El Nino gây ra sẽ kéo dài tại Indonesia sẽ ảnh hưởng đến mùa màng, đồng thời nước này cũng phụ thuộc vào nhập khẩu để đảm bảo lượng gạo dự trữ trong nước. Vì vậy, việc thiếu hụt nguồn cung từ cả nội địa và nhập khẩu sẽ khiến giá gạo tăng cao. Sau khi hoàn thành triển khai đợt nhập khẩu 2 triệu tấn được thông báo vào tháng 3, dự kiến do tình hình lệnh cấm từ Ấn Độ, có khả năng Indonesia sẽ tiếp tục tiếp cận nguồn cung từ Việt Nam để bổ sung nhập khẩu gạo kiềm chế lạm phát và tồn kho.
Còn tại các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), ngày 28/7/2023, Bộ Kinh tế UAE đã ban hành Nghị quyết cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo (bao gồm tất cả các loại gạo: gạo trắng trấu, gạo lứt trấu, cơm tấm, gạo đồ). Mặc dù 90% lượng lương thực là nhập khẩu nhưng đây được coi là một biện pháp để kiểm chế lạm phát và kiểm soát an ninh lương thực của nước này do UAE hiện phụ thuộc hoàn toàn vầo nguồn lương thực nhập khẩu (ngô, gạo, đậu tương).
Nhu cầu nhập khẩu gạo tại thị trường Hoa Kỳ vẫn ở mức cao. Trong báo cáo gần nhất phát hành tháng 7/2023, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã nâng dự báo sản lượng gạo của Hoa Kỳ năm 2023 thêm 4% lên 201 triệu tấn, giảm tổng nhập khẩu xuống 38 triệu (giảm 1 triệu tấn so với dự báo tháng trước). Tuy nhiên, lượng nhập khẩu này vẫn ở mức cao thứ hai trong lịch sử. Bên cạnh đó, cộng đồng người Ấn Độ ở Hoa Kỳ đã bắt đầu tích trữ gạo Ấn Độ, nhưng một số chuỗi cửa hàng đã tăng giá một bao gạo 2lbs (tương đương 9kg) thêm 8 USD, hoặc chỉ hạn chế mua một túi gạo cho mỗi gia đình.
Tình trạng lạm phát cao vẫn đang tiếp diễn ở hầu hết các quốc gia và dự kiến sẽ còn kéo dài, có thể gây ảnh hưởng đến mức tiêu dùng hàng hoá, làm giảm cầu hàng hoá nhập khẩu. Cùng với đó, chi phí logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng hoá tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao so với thời điểm trước dịch Covid-19 do ảnh hưởng của việc tăng giá dầu thô.
Mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, khẳng định thương hiệu Việt Nam
Trước những yếu tố bất lợi của tình hình thương mại lương thực toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo hàng hoá cho người dân với giá có lợi nhất, đồng thời góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo tập trung triển khai tốt một số nội dung trọng tâm.
Cụ thể, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất kinh doanh, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu, khẳng định thương hiệu Gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới.
Triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo Việt Nam.
Gắn hoạt động quảng bá, giới thiệu gạo nói riêng và sản phẩm hàng hoá Việt Nam nói chung vào các chương trình thăm chính của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các nước và lãnh đạo các nước đến thăm Việt Nam; các chương trình họp Uỷ ban liên Chính phủ, các chương trình làm việc của Bộ Công Thương.
Tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; đồng thời, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu và đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với các đối tác truyền thống theo cơ chế giá phù hợp với tình hình thị trường; chú trọng phát triển các thị trường mới, có nhu cầu và còn nhiều tiềm năng, nhất là những thị trường trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phát huy vai trò tư vấn, phản biện chính sách, tích cực tham gia góp ý với các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo và tham gia xây dựng phương án đàm phán FTA với các đối tác nhằm bảo đảm tối đa lợi ích cho doanh nghiệp khi Hiệp định được ký kết, thực thi, qua đó giúp nâng cao vai trò của Hiệp hội thực sự vừa là tổ chức hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp hội viên, vừa là cánh tay nối dài, giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thông tin, phản biện chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Đồng thời, chú trọng tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng thâm nhập vào các thị trường mục tiêu và khai thác các cam kết ưu đãi trong các FTA; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo ứng phó có hiệu quả với các rào cản kỹ thuật của các thị trường mới và các biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp đấu tranh trên mọi cấp độ, mọi diễn đàn đối với các biện pháp bảo hộ thương mại quá mức, không phù hợp với cam kết quốc tế của các thị trường nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp hội viên.
Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và VFA tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các hình thức thương mại truyền thống và trực tuyến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống (như Philippines, Indonesia, khu vực Châu Phi, Trung Quốc) và khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua (như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ…).
Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan sẽ phối hợp theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của các quốc gia, vùng lãnh thổ đối với thóc, gạo nhập khẩu; Chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định với các quốc gia, vùng lãnh thổ về kiểm dịch thực vật, quy định kỹ thuật về chất lượng thóc, gạo để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Đồng thời, xem xét, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của thương nhân theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vương mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo, bảo đảm hiệu quả bền vững trong thời gian tới.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm