Thị trường hàng hóa
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho biết, nhập khẩu chủng loại quả xoài (HS 08045020) của Hàn Quốc trong 3 tháng năm 2023 đạt 8 nghìn tấn, trị giá 36,4 triệu USD, giảm 18% về lượng và giảm 19% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xoài nhập khẩu bình quân trong 3 tháng năm 2023 đạt 4.533,8 USD/ tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Peru là thị trường cung cấp xoài lớn nhất cho Hàn Quốc trong 3 tháng đầu năm 2023, lượng xoài nhập khẩu từ Peru chiếm 63,4% tổng lượng xoài nhập khẩu vào Hàn Quốc, đạt 5,1 nghìn tấn, trị giá 25,7 triệu USD, giảm 14,8% về lượng và giảm 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là thị trường Thái Lan đạt 2,3 nghìn tấn, trị giá 7,8 triệu USD, giảm 22% về lượng và giảm 20,4% về trị giá, chiếm 28,1%.
Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, tuy nhiên lượng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 5,8% tổng lượng xoài nhập khẩu.
Dư địa thị trường còn nhiều là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu xoài đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc trong thời gian tới; bên cạnh đó là việc tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc cũng mang lại kết quả tích cực.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu quả xoài sang Hàn Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý người tiêu dùng Hàn Quốc đặt tính an toàn của nông sản, thực phẩm lên hàng đầu, sau đó tới chất lượng, mùi vị, hình thức bên ngoài và giá cả. Hàn Quốc được xem là thị trường áp dụng nhiều các quy định nghiêm ngặt nhất châu Á về điều kiện đối với hàng nông sản nhập khẩu.
Cũng theo Cục Xuất Nhập khẩu, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 3/2023 đạt 418 triệu USD, tăng 22% so với tháng 3/2022. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 982 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm 2023 là nhờ trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 576,4 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu của Trung Quốc tăng cao là do tháng 2 và 3 là mùa lạnh, do đó diện tích cây ăn trái cho sản lượng thấp, không đủ cung ứng nội địa.
Việc mở cửa trở lại sau nhiều năm áp dụng chính sách Zero Covid tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy ngành hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng khả quan trong năm 2023. Tuy nhiên, Trung Quốc đang siết dần nhập khẩu tiểu ngạch và chuyển qua chính ngạch, chất lượng rau quả nhập khẩu đòi hỏi ngày càng cao. Để xuất khẩu sang thị trường này, ngoài tăng cường chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp và nhà vườn phải tuân thủ và kiểm soát chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh, hàng rau quả xuất khẩu tới Hoa Kỳ giảm mạnh, do ảnh hưởng bởi lạm phát dẫn tới sức mua yếu tại thị trường này. Đáng chú ý, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan… tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm 2023.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm