Thị trường hàng hóa
Đó là nhận định của ông Lê Trung Hiếu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đã giảm tốc rõ rệt trong quý IV/2022. Điều này sẽ tạo ra những thách thức như thế nào với tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023, thưa ông?
9 tháng đầu năm là một bức tranh tươi sáng cho kinh tế Việt Nam khi kết quả tăng trưởng đạt 8,83%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Đạt kết quả này do các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, trên nền tăng trưởng thấp của 9 tháng năm 2021 (9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,4%, trong đó riêng quý III/2021 giảm hơn 6%).
Bước sang quý IV/2022, sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế taọ có xu hướng giảm mạnh do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, cầu tiêu dùng trên thế giới suy giảm do lạm phát tăng cao, kinh tế khó khăn, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn với Việt Nam như Mỹ, EU…
Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý IV/2022 đạt 3,6%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,98% và đều là các mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2022.
Chỉ số IIP quý IV/2022 tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm 2018-2022; trong đó một số ngành tăng thấp hoặc giảm như: Dệt tăng 0,2%; sản xuất kim loại giảm 8,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 10,4%; Sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 12,2%.
Có 32,7% doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo giảm sản xuất trong quý IV/2022 so với quý trước; 30,1% doanh nghiệp dự báo giảm sản xuất trong quý I năm 2022. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 giảm mạnh so với tháng trước (47,4 điểm), lần đầu tiên từ khi mở cửa lại nền kinh tế (tháng 10/2021) xuống dưới 50 điểm. Trong khi đó, 50 điểm là ngưỡng ổn định, dưới 50 điểm cho thấy ngành sản xuất công nghiệp suy giảm.
Xuất khẩu hàng hóa quý IV giảm tốc: Tháng 10 tăng 4,5% so cùng kỳ; tháng 11 giảm 8,4% và tháng 12 giảm 14%. Ước kim ngạch xuất hàng hóa khẩu quý IV giảm 6,1% (trong khi xuất khẩu 9 tháng tăng 17,5%), dẫn đến xuất khẩu cả năm chỉ tăng 10,6%.
Nguyên nhân của tình trạng này đến nhiều từ yếu tố bên ngoài và một phần yếu tố trong nước. Trong đó, các yếu tố bên ngoài phải kể đến là: Nhu cầu tiêu dùng quốc tế suy yếu, thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng cao so các yếu tố như xung đột chính trị Nga – Ukraine…
Các yếu tố bên trong như: Lãi suất trong nước tăng mạnh, đầu tư công triển khai chậm so với kế hoạch, năng lực nội tại của khối doanh nghiệp chưa phục hồi từ đại dịch… Những khó khăn trên dự kiến sẽ ảnh hưởng lâu dài tới nền kinh tế Việt Nam, ít nhất trong nửa đầu năm 2023.
Quốc hội đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 là 6,5%. Theo ông, đây có phải là thách thức khi thời gian qua nhiều tổ chức quốc tế như IMF và ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới chỉ đạt lần lượt 6,2% và 6,3%?
Hầu hết các tổ chức quốc tế đều nhận định, kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ khó khăn hơn năm 2022, theo báo cáo cập nhật vào tháng 12/2022, một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức tăng trưởng từ 2,9% xuống còn 2,7% so với thời điểm tháng 7/2022. Fitch Ratings điều chỉnh so với dự báo trong tháng 9/2022, từ mức 1,7% xuống còn 1,4%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 xuống mức 2,2% thay vì 2,8% như trong dự báo hồi tháng 6.
Đối với dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam, các tổ chức quốc tế nhận định kinh tế Việt Nam vẫn phát triển ở mức khá, mặc dù đã có dự báo giảm so với trước đó: IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam đạt 6,2%; WB dự báo đạt 6,7%; ADB dự báo đạt 6,3%.
Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%, tuy nhiên đây cũng là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.
Dù mục tiêu tăng trưởng 6,5% là một thách thức, nhưng chắc chắn Việt Nam vẫn còn nhiều động lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023, thưa ông?
Đúng vậy, tôi cho rằng Việt Nam có một số động lực tăng trưởng trong năm 2023. Điều này thể hiện rõ ở góc độ sản xuất và góc độ sử dụng. Cụ thể, ở góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: Trong khó khăn, luôn thể hiện vai trò là "bệ đỡ" của nền kinh tế, đồng thời ngành này cũng đang thực hiện quá trình tái cơ cấu chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” và cũng đã đạt được những kết quả tích cực nên kết quả tăng trưởng sẽ ổn định khoảng 3% như những năm gần đây.
Ngành công nghiệp: Công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu (may mặc, da giày, điện tử, đồ gỗ) dự báo sẽ có suy giảm do cầu tiêu dùng thế giới giảm đặc biệt trong quý I và có thể sang quý II/2023; nhưng việc chuyển hướng sang khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng để bù đắp
Ngành xây dựng: Các dự án cơ sở hạ tầng tập trung thực hiện trong năm 2023 như ngày 1/1/2023 khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Khu vực dịch vụ: Năm 2023 tiếp tục có sự tăng trưởng khá nhất là hoạt động thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây; khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục dự báo tăng cao, khi đó những ngành chưa hoàn toàn phục hồi, hoặc phục hồi chậm so với trước đại dịch sẽ tăng trưởng cao như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; nghệ thuật vui chơi, giải trí;...
Ở góc độ sử dụng, về đầu tư: Năm 2023, là điểm rơi của đầu tư công trung hạn và giải ngân thực hiện gói đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, khi thực hiện đây sẽ là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu nền kinh tế. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam dự báo tăng khá khi một số dự án lớn đang hoàn thành thủ tục đầu tư, dự kiến đăng ký và thực hiện trong quý I/2023; các công ty tại Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đây sẽ là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Về tiêu dùng: Cầu tiêu dùng năm 2023 sẽ tiếp tục hồi phục sau đại dịch và được hỗ trợ từ nhu cầu du lịch trong nước. Về xuất khẩu: Mặc dù năm 2023 sẽ có khó khăn xuất khẩu đến các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU. Tuy nhiên, Việt Nam có thể bù đắp ở các thị trường FTA thế hệ mới; RCEP khi Trung Quốc mở cửa trở lại khi nới lỏng chính sách Zero Covid, khi đó Việt Nam có thể xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng vào thị trường hơn 1 tỷ dân sau thời gian dài cách ly, dự báo có sự tăng trưởng xuất khẩu từ 6-8%. Bên cạnh đó, khi Trung Quốc mở cửa trở lại vào đầu năm 2023 thì lượng lớn khách du lịch từ Trung Quốc sẽ đến Việt Nam, khi đó xuất khẩu dịch vụ sẽ tăng mạnh.
Cùng với các chính sách tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ trong năm 2023, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tôi tin rằng nền kinh tế hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% như Quốc hội đã đề ra.
Xin cảm ơn ông!
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm