Thị trường hàng hóa
Trong báo cáo về Rủi ro thương mại và đầu tư Việt Nam của Fitch Solutions cho quý III/2022, Việt Nam đạt 74,6 trên 100 điểm về độ mở kinh tế, cao hơn mức trung bình của châu Á là 46; mức trung bình toàn cầu là 49,5 điểm. Trên toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 20 trong số 201 thị trường được tổ chức này đánh giá.
Về điểm số, Việt Nam chỉ xếp sau Singapore, Hong Kong, Macau và Malaysia. Về rủi ro thương mại và đầu tư, Việt Nam được chấm 61,1 điểm, cao hơn mức trung bình châu Á và thế giới. Với tiêu chí này, điểm số càng thấp, rủi ro càng cao. Việt Nam xếp thứ 9 khu vực và 57 toàn cầu về rủi ro thương mại và đầu tư.
Fitch Solutions nhận định Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi nỗ lực tự do hoá kinh tế của Chính phủ và quá trình hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại. Theo thước đo về độ mở kinh tế của Fitch Solutions, Việt Nam đạt 89,2 điểm về độ mở thương mại, đứng thứ 2 trong Đông - Đông Nam Á và thứ 5 trên toàn cầu.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
Ngoài ra, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2022, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,54 tỷ USD. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nửa đầu năm 2022 có 487 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 5,9% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 6,82 tỷ USD (tăng 65,6% so với cùng kỳ).
Nguyên nhân là nhờ vào sức hấp dẫn như "một điểm đến cho các doanh nghiệp tìm kiếm nơi khác ngoài Trung Quốc" hoặc áp dụng chính sách chuỗi cung ứng "Trung Quốc cộng một" để giảm sự phụ thuộc vào nước này. Theo Fitch Solutions, hệ thống chính trị Việt Nam tương đối ổn định, có vị trí chiến lược và lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp hơn so với Trung Quốc. Các yếu tố này đang thu hút nhiều nhà đầu tư.
Đầu năm nay, các gã khổng lồ điện tử đã tuyên bố mở rộng hoạt động tại Việt Nam, sau khi Trung Quốc ngừng hoạt động sản xuất vì Covid-19 kéo dài và căng thẳng gia tăng với phương Tây. Nhiều thông tin cho thấy các nhà cung cấp linh kiện cho Apple gồm Luxshare và Foxconn sẽ bắt đầu thử nghiệm sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam.
Trong khi đó, Samsung vừa hoàn thành việc xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội. Hãng điện tử Hàn Quốc này đang thử nghiệm sản xuất hàng loạt lưới bóng chíp bán dẫn tại nhà máy ở tỉnh Thái Nguyên vào tháng 7/2023.
Bên cạnh những yếu tố tích cực thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Fitch Solutions cũng lưu ý rằng năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam có thể bị cản trở bởi một số yếu tố: Chi phí logistics cao khi năng lực vận chuyển toàn cầu suy giảm bởi những tác động tồn tại của dịch bệnh dẫn đến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng; chính sách ưu đãi đầu tư còn nhiều bất cập, chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế, giá thuê đất; chi phí nguyên liệu chưa tương xứng với hiệu quả mà các dự án FDI mang lại.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm