Thị trường hàng hóa
Việt Nam - Thỏi nam châm "hút" các dự án FDI
Thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua. Và theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại, có 34.898 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, trị giá 426,14 tỷ USD tại Việt Nam.
Đặc biệt, với việc các công ty chuyển hoạt động kinh doanh sang Việt Nam, lĩnh vực sản xuất gia công của Việt Nam đã thu hút được 252 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và chiếm khoảng 60% tổng số các nước Đông Nam Á. Việt Nam hiện tại không chỉ là một điểm đến hứa hẹn về công nghệ mà còn là một "chiến trường" cạnh tranh khốc liệt của các tập đoàn đa quốc gia khi nhìn vào danh sách các công ty trong danh sách Fortune 500 như Samsung, LG, Canon, Honda hay là Toyota...
Mới đây nhất, Compal Electronics, nhà sản xuất thiết bị điện tử thông minh toàn cầu được cho là đã lên kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Ngoài ra, việc chuyển địa điểm của Compal dự kiến sẽ khuyến khích các nhà sản xuất linh kiện điện tử trong nước trở thành nhà cung cấp của Compal. Apple gần đây được cho là đang đàm phán để sản xuất Apple Watch và MacBook lần đầu tiên tại Việt Nam, với việc các nhà cung cấp của họ đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm sản phẩm ở miền Bắc Việt Nam.
Không chỉ có Compal, Apple, nhà cung cấp giải pháp mạng Accton, nhà sản xuất mô-đun làm mát Nidec Chaun-Choung Technology, nhà sản xuất bản lề Shin Zu Shing, nhà sản xuất linh kiện ô tô và khung gầm Getac và nhà sản xuất khung kim loại Ju Teng …, đã tiết lộ kế hoạch thành lập hoặc mở rộng công suất tại Việt Nam.
Trong số các lĩnh vực, ngành chế biến, chế tạo là thỏi nam châm "hút" lượng lớn các dự án đầu tư. Không chỉ thu hút lượng vốn đầu tư khủng, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn lớn trên thế giới, như: Samsung, LG, Canon, Honda, Toyota,… Trong đó, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau một thời gian hoạt động hiệu quả như Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD; dự án Công ty TNHH Fujifilm Business Innovation Việt Nam (TP.HCM), tăng 494,2 triệu USD; dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh tăng gần 306 triệu USD, tại Nghệ An 260 triệu USD và tăng 127 triệu USD tại Hải Phòng; dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (Phú Thọ) tăng 163 triệu USD…
Theo các chuyên gia kinh tế, việc thu hút nhiều dự án FDI lớn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, tăng vị thế của Việt Nam trong bản đồ kinh tế thế giới. Đây là điều tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau 2 năm chùng xuống do dịch bệnh COVID-19.
Đặc biệt, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng giúp người lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua cung ứng các sản phẩm, linh kiện cho các tập đoàn lớn trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam.
Thách thức không hề nhỏ…
Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của quỹ đầu tư VinaCapital cho rằng, Việt Nam đang có một dư địa rất lớn về lực lượng lao động, bởi vẫn có một lượng lớn lao động có thể chuyển từ làm nông nghiệp sang nhà máy, với hơn 40% lực lượng lao động vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cùng với đó, một trong những nguyên nhân khiến nhiều công ty đa quốc gia đang chuyển dịch một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam, liên quan đến việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và đặc biệt là nguy cơ mà các công ty này phải đối mặt với các mức thuế liên quan đến những cuộc chiến thương mại giữa các nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, vẫn còn nhiều việc phải làm để Việt Nam tận dụng được nguồn vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy chi phí thương mại phi thuế quan của Việt Nam đang cao hơn các nước ASEAN khác, với chi phí tắc nghẽn giao thông lên tới 21% GDP vào năm 2016, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 12%.
Vấn đề nguồn nguyên phụ liệu trong nước đang là vướng mắc rất lớn với các doanh nghiệp FDI. Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho biết, trong thực tế, qua khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc mong muốn liên kết với các nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm Việt Nam. Tuy nhiên, do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu, khó tìm kiếm nhà cung cấp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô lớn buộc phải lôi kéo các doanh nghiệp phụ trợ, đối tác bên nước họ sang Việt Nam đầu tư sản xuất. Một vấn đề nữa là các nhà sản xuất linh kiện điện tử trong nước tại Việt Nam cũng đang cố gắng mở rộng hoạt động kinh doanh nhưng do thiếu kinh nghiệm và năng lực sản xuất nên giá thành sản xuất linh kiện của Việt Nam cao gấp hai, ba lần so với các nước lân cận.
Hiện nay, cơ hội đón vốn FDI còn dư địa cao nhưng cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang ngày càng quyết liệt nhất là trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế. Do đó, sự cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt.
Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung tìm ra các biện pháp có thể phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tạo thêm động lực tốt cho việc tăng năng suất khu vực dịch vụ lẫn khu vực sản xuất kinh doanh cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm