Thị trường hàng hóa
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Vàng Phú Nhuận, mã cổ phiếu PNJ - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 9/2024 với doanh thu thuần đạt 2.376 tỷ đồng và lãi ròng đạt 101 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 9% so với tháng 9/2023.
Trong quý 3/2024, Vàng Phú Nhuận ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.130 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng giảm gần 15%, còn 216 tỷ đồng.
Xét về cơ cấu, doanh thu từ trang sức bán lẻ chiếm 69,8% tổng doanh thu quý 3/2024 của Vàng Phú Nhuận. Theo sau là doanh thu từ trang sức vàng 24K (chiếm 15,5%) và trang sức bán sỉ (chiếm 13,8%).
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vàng Phú Nhuận đạt 29.242 tỷ đồng và lãi ròng đạt 1.382 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 3% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành 79% kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lãi cả năm nay.
Biên lợi nhuận gộp trung bình trong 9 tháng đầu năm nay của Vàng Phú Nhuận giảm từ 18,4% xuống còn 16,7%. Giải thích về sự sụt giảm này, ban lãnh đạo Vàng Phú Nhuận cho biết nguyên nhân chủ yếu là do tăng tỷ trọng doanh thu từ vàng 24K, nhưng được bù đắp nhờ biên lợi nhuận ổn định từ kênh bán lẻ và bán sỉ, cùng các biện pháp tối ưu vận hành.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra hồi tháng 4, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT Vàng Phú Nhuận đã chia sẻ về vấn đề tốc độ doanh thu lớn hơn lợi nhuận. Cụ thể, giá vàng tăng kích thích người tiêu dùng tăng mua vàng miếng, vàng 24k làm tăng doanh thu của công ty.
Tuy nhiên, vàng miếng và 24K có biên lợi nhuận thấp kéo giảm biên lợi nhuận chung. Đồng thời, năm 2023 công ty đã cắt giảm rất nhiều chi phí nên không thể giảm thêm nữa và việc tăng giá vàng khiến đơn vị gặp khó trong vấn đề đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất.
Chủ tịch Vàng Phú Nhuận cũng chia sẻ, giá vàng tăng nóng là “vấn đề cân não” đối với công ty, nhất là việc quản lý hàng tồn kho. Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, giá vốn của Vàng Phú Nhuận sẽ biến động theo giá nguyên liệu, vì tỷ trọng đang chiếm khoảng 50%, và công ty sẽ có điều chỉnh giá khi biến động hơn 5%. Do đó, Vàng Phú Nhuận sẽ phải quản lý chặt chẽ các khâu để đảm bảo duy trì hiệu quả kinh doanh.
Trong 9 tháng đầu năm, Vàng Phú Nhuận đã mở thêm 29 cửa hàng mới và đóng 11 cửa hàng. Tại thời điểm cuối quý 3/2024, Vàng Phú Nhuận sở hữu 418 cửa hàng vật lý trên toàn quốc.
Xem thêm: "Thiếu nguồn cung, mảng vàng miếng của Vàng Phú Nhuận (PNJ) có thể ngưng từ năm 2025?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh của Vàng Phú Nhuận trong thời gian tới, Chứng khoán An Bình cho nhận định hoạt động bán sỉ và bán lẻ trang sức của công ty sẽ tăng trưởng tích cực trong giai đoạn cuối năm bởi đây chính là khoảng thời gian cao điểm mùa cưới, khiến nhu cầu trang sức tăng mạnh.
Đại diện Vàng Phú Nhuận cũng cho biết, công ty đang “chạy đà” cho mùa cưới với loạt hoạt động thúc đẩy bán hàng và tăng độ nhận diện thương hiệu như tái truyền thông bộ sưu tập trầu cau PNJ và triển khai chương trình thúc đẩy bán hàng với nhiều ưu đãi.
Bên cạnh đó, thị trường vàng miếng diễn biến sôi động cũng được kỳ vọng thúc đẩy kết quả kinh doanh của Vàng Phú Nhuận trong nửa cuối năm nay.
Riêng đối với mảng bán lẻ trang sức - mảng kinh doanh chính của Vàng Phú Nhuận, hãng Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định mảng này có thể tăng trưởng 10,5%/năm trong giai đoạn 2024 - 2028 với điều kiện công ty có thể đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung vàng ngày càng nghiêm trọng.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm