Thị trường hàng hóa
Uông Thao sinh ra trong một gia đình khá giả, có bố là kỹ sư cao cấp, còn mẹ là doanh nhân. Ngay từ nhỏ, Uông Thao đã có niềm đam mê đặc biệt với bầu trời, sau khi anh đọc được một cuốn truyện tranh về cuộc phiêu lưu của những chiếc trực thăng đỏ.
Niềm đam mê ấy được Uông Thao nuôi dưỡng theo suốt những năm tháng tuổi thơ. Cho đến khi lên đại học, để thoả mãn đam mê của mình, Uông Thao thi vào Khoa Điện tử của Đại học Sư phạm Hoa Đông. Sau thời gian học tại đây, Uông Thao cảm thấy mình không thể thực hiện ước mơ, do đó anh đã chọn rẽ ngang sang một hướng khác.
Anh bỏ học tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, sau đó nộp đơn vào một số trường đại học danh giá ở nước ngoài, trong đó có cả Harvard. Tuy nhiên, điểm số của Uông Thao không đủ để được nhận vào học tại các trường này. Cuối cùng, Uông Thao nộp đơn vào trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, Trung Quốc và tiếp tục con đường học vấn của mình.
Tại đây, Uông Thao vẫn miệt mài cố gắng học tập, tìm hiểu những gì liên quan đến đam mê của mình. Trước khi tốt nghiệp, Uông Thao thực hiện đề tài nghiên cứu hệ thống điều khiển thiết bị bay không người lái. Song, đề tài này của Uông Thao đưa ra đã bị phản đối bởi các giảng viên.
Không bỏ cuộc, cậu sinh viên trẻ lúc đó đã tìm thêm hai cộng sự của mình để thuyết phục giảng viên đồng ý đề tài. Phải mất hơn nửa năm làm việc, nghiên cứu, đến cuối cùng, đề án của Uông Thao cũng không thành công trong giai đoạn trình diễn cuối cùng. Điều này cũng khiến anh mất cơ hội được tiếp tục học tập ở nước ngoài.
May mắn thay, một vị giáo sư tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông nhận thấy tài năng của Uông Thao nên đã giúp anh tiếp tục theo đuổi đam mê của mình bằng cách học tiếp tại trường.
Trong thời gian học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, Uông Thao đã tự thành lập ra một công ty, lấy tên là DJI Innovation and Technology. Do có quy mô nhỏ, công ty gặp khá nhiều khó khăn trong những ngày đầu mới thành lập. Trong đó, khó khăn nhất là không tuyển dụng được người tài, nhiều người đã rời bỏ công ty vì cho rằng không có tương lai.
Uông Thao đã tìm đến giáo sư của mình để tìm cách xoay chuyển tình thế. Sau một thời gian, DJI của Uông Thao đã cho ra mắt sản phẩm đầu tiên của hệ thống điều khiển từ xa cho drone.
Nối tiếp thành công, các sản phẩm khác của DJI lần lượt ra đời. Thật bất ngờ, chỉ trong vòng 7 năm, công ty của Uông Thao đã đứng đầu Trung Quốc về doanh số bán các thiết bị bay không người lái.
Năm 2014, công ty của Uông Thao đã bán ra khoảng 400.000 thiết bị bay không người lái, mức tăng đều đặn gấp 2-3 lần/năm.
Năm 2016, anh có mặt trong danh sách “Người giàu Hurun” với khối tài sản 3,5 tỷ USD. Không chỉ bán chạy tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm của Uông Thao còn càn quét thị trường Mỹ và châu Âu. Năm 2022, anh được Forbes ghi nhận có khối tài sản 4,8 tỷ USD và trở thành tỷ phú trẻ nhất châu Á.
Có được thành công như hiện tại là do sự chăm chỉ ngày đêm, miệt mài làm việc nuôi dưỡng đam mê của Uông Thao. Tỷ phú này từng chia sẻ, anh chưa bao giờ cho phép bản thân được thảnh thơi.
“Không có thành công nào có thể đạt được nếu không làm việc chăm chỉ, không có sự giàu có nào có được bằng sự thảnh thơi và không có công nghệ cao nào từ trên trời rơi xuống. Việc theo đuổi sự xuất sắc đòi hỏi vô số đêm khuya suy ngẫm, chuỗi ngày làm việc liên tục và lòng can đảm để theo đuổi ước mơ”, Uông Thao nói.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm