Thị trường hàng hóa
Chỉ trong vòng nửa tháng qua, tỷ giá tăng liên tục tăng mạnh và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong những tháng cuối năm khi mà đồng USD mạnh lên (chỉ số DXY đã tăng lên trên 107,11 điểm - mức cao nhất từ 11/2022) cùng với nhu cầu ngoại tệ cuối năm tăng cao. Giá USD tăng do sự vững mạnh của nền kinh tế Mỹ và chiến lược duy trì lãi suất điều hành cao để giảm lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng của các khu vực khác trên toàn cầu như EU, Trung Quốc.
Diễn biến tăng của tỷ giá USD/VND sẽ có những ảnh hướng nhất định đến kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp dầu khí niêm yết và nhóm doanh nghiệp phân bón niêm yết thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).
Tuy nhiên, mức độ tác động của tỷ giá sẽ phụ thuộc vào (1) bản chất hoạt động kinh doanh và (2) cơ cấu nợ vay của từng doanh nghiệp. Cụ thể:
Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS)
Theo đánh giá của nhóm chuyên gia phân tích từ hãng Chứng khoán ACB (ACBS), việc tỷ giá tăng sẽ tác động “tích cực nhẹ” đến PVS. Khách hàng của PVS đến từ nhiều khu vực địa lý khác nhau và có yếu tố nước ngoài cao nên tỷ trọng doanh thu bằng ngoại tệ cao (trên 80-90% trong những năm gần đây), hầu hết là bằng USD. Đây là điểm tích cực khi tỷ giá USD/VND tăng lên. Nguồn thu USD này cũng giúp giảm rủi ro chi phí do PVS cũng nhập khẩu một phần vật tư thiết bị cho các dự án trúng thầu.
Theo PVS, công ty quản trị rủi ro tỷ giá bằng cách cân đối nguồn thu và chi ngoại tệ nhằm đảm bảo giảm thiểu rủi ro về tỷ giá bằng cách ký kết hợp đồng với khách hàng theo đối ứng với khoản ngoại tệ phải trả cho nhà cung cấp. Ngoài ra, PVS cũng giữ lại một phần doanh thu bằng ngoại tệ và duy trì số dư tiền ngoại tệ tối thiểu tương đương với các nghĩa vụ nợ vay bằng ngoại tệ để tránh các rủi ro về tỷ giá và thanh khoản.
Về cơ cấu nợ vay của PVS, nợ vay dài hạn của PVS 100% là vay bằng Việt Nam Đồng. Trong khi đó, 85% nợ vay ngắn hạn là vay USD. Tính đến cuối tháng 6/2023, nợ vay ngắn hạn bằng USD của PVS là khoảng 640 tỷ đồng, chỉ chiếm 2,4% tổng tài sản.
Xem thêm: "Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS): Gói thầu hơn 1 tỷ USD thuộc dự án Lô B - Ô Môn có thể sắp được triển khai" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR)
Tương tự, tỷ giá USD/VND tăng được nhận định sẽ tác động “tích cực nhẹ” đến BSR. Yếu tố tỷ giá tác động lên cả doanh thu lẫn chi phí đầu vào của doanh nghiệp lọc hoá dầu này.
Đầu vào của BSR là dầu thô, được giao đều đặn hàng tháng. Giá dầu thô đầu vào được tính theo giá trung bình 30 ngày của dầu thô Brent. Trong khi đó, giá bán ra lại được neo theo giá niêm yết theo từng loại xăng dầu (Ron92-95, DO…) bình quân 10 - 15 ngày trên sàn giao dịch Platts (Singapore) cộng phần phụ trội (premium) dựa trên thỏa thuận giữa BSR và khách hàng.
Do cả đầu ra và đầu vào đều được tính theo USD, trong khi đó, BSR phải tích trữ hàng tồn kho tối thiểu 20 ngày theo quy định hiện hành, mà giá bán lại được điều chỉnh 10-15 ngày nên trong trường hợp tỷ giá lên, thì BSR có thể sẽ hưởng lợi.
Trong khi đó về nợ vay, BSR không còn nợ vay dài hạn kể từ cuối quý 2/2022. Trong nợ vay ngắn hạn, BSR chỉ vay 43,9 triệu USD, tương đương 1.029 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng thấp 1,37% tổng tài sản. Do đó, tỷ giá tăng sẽ không gây áp lực đáng kể lên kết quả kinh doanh của BSR.
Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS)
Tỷ giá USD/VND tăng cũng được nhận định tác động “tích cực nhẹ” đến kết quả kinh doanh của GAS. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này chịu tác động của tỷ giá ở cả đầu ra và đầu vào nhưng dữ liệu lịch sử cho thấy chênh lệch tỷ giá/lợi nhuận sau thuế của GAS luôn dưới 2%.
Nguyên nhân chủ yếu do các hợp đồng mua khí khô của GAS được tính theo USD trong khi giá bán ra thả nổi theo giá dầu FO quốc tế cũng bằng USD. Vì vậy, trong các năm qua, mặc dù mỗi năm tỷ giá USDVND vẫn tăng bình quân 2-3%, tuy nhiên GAS thường ghi nhận lãi chênh lệch từ tỷ giá dao động.
Bên cạnh đó, tỷ trọng Tổng nợ vay/ Tổng tài sản tính đến cuối quý 2/2023 của GAS ở mức thấp, chỉ đạt 6,8%; trong đó, chủ yếu là vay dài hạn chiếm 86% tổng dư nợ. Dư nợ vay bằng USD là 4.077 tỷ đồng, tương đương 4,6% tổng tài sản Như vậy, nếu tỷ giá tăng lên 1% thì chi phí nợ vay của GAS sẽ tăng thêm 40 tỷ đồng, tương đương 0,26% lợi nhuận sau thuế năm 2022.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM)
Rủi ro tỷ giá đối với DPM được nhận định ở mức “trung bình” khi mà tỷ trọng Chênh lệch tỷ giá/lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này luôn ở dưới 1%.
Tổng nợ vay/Tổng tài sản của DPM ở mức thấp 4%. Trong đó, nợ vay bằng USD khá thấp với ước tính chỉ còn lại khoảng 170 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2023, chiếm 1,1% tổng tài sản.
Ngoài ra, về hoạt động kinh doanh của DPM, công ty cũng có nguồn thu USD từ xuất khẩu phân bón (chiếm 18% tổng doanh thu trong năm 2022) giúp bù lại một phần rủi ro chi phí giá khí đầu vào (được tính theo USD).
Xem thêm: "Lãi ròng năm 2024 của Đạm Phú Mỹ (DPM) có thể tăng 94%, vượt trội so với giai đoạn 2015-2020" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM)
Cũng tương tự như DPM, rủi ro tỷ giá của DCM ở mức "trung bình" với chênh lệch tỷ giá/lợi nhuận sau thuế thấp quanh 1-2%. Trước đây khi mới đi vào hoạt động, rủi ro tỷ giá của DCM khá cao do dư nợ vay USD của DCM ở mức cao trên 7.000 tỷ đồng (năm 2015).
Tuy nhiên nợ vay của DCM giảm liên tục trong các năm vừa qua với tổng Nợ vay chỉ còn 306 tỷ đồng (chủ yếu là vay ngắn hạn bằng USD) tại thời điểm cuối quý 2/2023. Tổng nợ vay/ Tổng tài sản ở mức thấp 1,9%. Ngoài ra, DCM còn có nguồn thu USD từ xuất khẩu phân bón (chiếm trung bình 20-25% tổng doanh thu hàng năm) giúp bù lại một phần rủi ro chi phí giá khí đầu vào (được tính theo USD).
Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD)
Ngược lại với các doanh nghiệp trên, ACBS nhận định PVD sẽ đối mặt với “rủi ro tỷ giá ở mức cao” khi nợ vay chiếm tới 18% tổng tài sản của doanh nghiệp này; trong đó, hầu như toàn bộ là vay bằng USD với dư nợ vay tại cuối quý 2/2023 là 151,8 triệu USD, tương đương 3.554 tỷ đồng với lãi suất thả nổi theo LIBOR cộng biên độ. Mặc dù, với tỷ trọng vay dài hạn lớn (chiếm 80% Tổng nợ vay), PVD sẽ chịu ít áp lực hơn về dòng tiền trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, việc đánh giá lại khoản vay cũng sẽ khiến PVD ghi nhận lỗ trên báo cáo kết quả kinh doanh. Đồng USD cứ tăng giá 1% sẽ khiến PVD lỗ tỷ giá 35 tỷ đồng, theo ước tính của ACBS.
Về hoạt động kinh doanh, các hợp đồng cho thuê giàn khoan của PVD cơ bản được thu bằng USD. Do đó, PVD có đủ nguồn thu để thanh toán các khoản chi phí bằng USD cũng như giảm bớt một phần rủi ro tỷ giá với các khoản vay USD này. Ngoài ra, PVD cũng sử dụng các công cụ tài chính phái sinh để đảm bảo và chủ động nguồn ngoại tệ như giao dịch hoán đổi tiền tệ chéo (Cross currency swap), hợp đồng mua lại (Repo) và hợp đồng quyền chọn (Option contract).
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm