Thị trường hàng hóa
Kết nối rộng khắp trên đất liền
Một phần của dự án dường như đã hoàn thành sau khi một phần mạng lưới đường sắt nối miền Tây Trung Quốc với Myanmar bắt đầu hoạt động trong những tháng gần đây. Đối với Bắc Kinh, sự phát triển này được coi là rất quan trọng vì nó có tiềm năng mở ra một tuyến đường quan trọng tới Ấn Độ Dương.
Vào tháng 6, 60 xe tải container chở đầy hàng điện tử, phụ tùng ô tô và các mặt hàng khác đã đến Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar. Ban đầu, lô hàng hóa này đã rời Trùng Khánh, Trung Quốc, trên một chuyến tàu vào cuối tháng 5 trước khi được đưa lên xe tải ở thành phố Lincang, tỉnh Vân Nam và được đưa qua biên giới ở bang Shan của Myanmar.
Cung đường mới này được triển khai là nhờ tuyến đường sắt nối liền giữa các thành phố Lincang và Đại Lý phía tây Trung Quốc, bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2020. Nó sẽ "rút ngắn khoảng cách và thời gian vận chuyển" cũng như tối ưu hóa các chuyến hàng quốc tế từ nội địa Trung Quốc đến Trung Đông và châu Âu, tờ Global Times đưa tin.
Trong một thử nghiệm vận chuyển hàng hoá riêng biệt vào tháng 8/2021, hàng hóa lần đầu tiên được vận chuyển bằng đường biển từ Singapore đến Yangon, sau đó bằng xe tải đến Lincang, rồi bằng tàu hỏa đến Thành Đô.
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước là động lực chính đằng sau sự phát triển này. Tập đoàn này đang xây dựng một tuyến đường sắt dài 330 km từ Đại Lý đến Thuỷ Lệ, cửa ngõ quan trọng nhất của Trung Quốc cho các chuyến hàng đường bộ từ Myanmar.
Đường sắt Trung Quốc cũng tham gia vào các dự án ở Myanmar. Tập đoàn này đã ký một biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Đường sắt nhà nước của Myanmar vào năm 2018 để tiến hành nghiên cứu khả thi cho một tuyến đường sắt liên kết giữa Muse, một thị trấn xuyên biên giới từ Thuỷ Lệ và Mandalay. Dự án bao gồm 36 nhà ga, 124 cây cầu và 60 đường hầm, ước tính trị giá 8,9 tỷ USD.
Vào tháng 1/2021, họ đã ký một bản ghi nhớ khác về nghiên cứu tính khả thi của việc mở rộng hơn nữa dịch vụ đường sắt đến khắp Kyaukphyu, một đặc khu kinh tế trên Ấn Độ Dương.
Tập đoàn quốc doanh Trung Quốc CITIC Group đang dẫn đầu việc phát triển cảng và khu công nghiệp quy mô lớn tại thị trấn Kyaukphyu. Tập đoàn này đã tổ chức một buổi thông tin cho người dân địa phương vào tháng 8 như một phần của đánh giá tác động môi trường và xã hội, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 7/2023.
Cùng với nhau, các dự án này sẽ kết nối các khu vực phía tây không giáp biển của Trung Quốc với Ấn Độ Dương, biến Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC) trở thành một phần quan trọng hơn nữa của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong khi đó, Myanmar sẽ có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và trở thành một trung tâm hậu cần quốc tế.
Là một phần của CMEC, một liên doanh giữa hai nước vào tuần trước đã khai trương một nhà máy điện 135 MW chạy bằng khí đốt trị giá 180 triệu USD tại Đặc khu Kinh tế Kyaukphyu, theo hãng truyền thông địa phương Irrawaddy.
Loạt thách thức
Tuy nhiên, dự án dường như không tiến triển thêm kể từ khi quân đội nắm quyền kiểm soát đất nước vào tháng 2/2021.
Chi phí cao ngất ngưởng và những thách thức về tài chính ngày càng tăng đối với các dự án cũng đã gây ra mối lo ngại.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại tỏ ra chắc chắn rằng sẽ đảm bảo sự thành công của hành lang kinh tế. Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, một phần khác của Sáng kiến Vành đai và Con đường, đã gây ra sự phản đối tại địa phương cũng như cuộc khủng hoảng nợ đối với chính phủ Pakistan.
Myanmar thực sự có tương đối ít nợ nước ngoài. Theo Ngân hàng Thế giới, nguồn nợ nước ngoài của nước này bằng 17% tổng thu nhập quốc dân vào năm 2020, so với 95% của Lào và 71% đối với Campuchia. Trung Quốc chiếm 25% khoản vay, một tỷ lệ nhỏ hơn so với Nhật Bản.
Myanmar đã giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc sau khi nước này chuyển sang chế độ dân sự vào năm 2011. Nhưng với việc chính quyền quân sự của Myanmar đang phải đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng trên trường quốc tế, Myanmar được kỳ vọng sẽ dựa nhiều hơn vào các mối quan hệ với Bắc Kinh và Moscow.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm