Thị trường hàng hóa
Trong diễn biến tác động thị trường ô tô, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, năm 2023, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng sụt giảm, thấp hơn năm 2022, với mức dự báo tốc độ tăng trung bình khoảng 2%. Thậm chí, nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần đến bờ vực suy thoái gây ra bởi nhiều nguy cơ hiện hữu và tiềm ẩn.
Nguyên nhân của mức tăng trưởng thấp này đến từ xung đột địa chính trị Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc khó có thể dịu đi trong thời gian ngắn.
Cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hiện hữu tại nhiều quốc gia, và có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào.
Với thực tế Việt Nam có là nền kinh tế có độ mở cao, liên thông nhiều với nền kinh tế thế giới nên những biến động bên ngoài đều có ảnh hưởng và tác động khá lớn đến nền kinh tế Việt Nam, đến lạm phát.
Theo TS. Ngô Trí Long, rủi ro nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam năm 2023 cũng là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh giá nguyên liệu hàng hóa thế giới vẫn neo ở mức cao, các nền kinh tế đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều dự báo lạm phát vẫn ở mức cao đáng lo ngại.
Áp lực lạm phát và sự mất giá đồng Việt Nam cũng ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. khiến họ cẩn thận hơn trong việc chi tiêu các mặt hàng thường xuyên và cả những mặt hàng xa xỉ như ô tô.
Có thể nhận thấy rõ điều này khi các hãng xe đều đã nỗ lực đưa ra các chương trình khuyến mại giá trị cao (tùy mẫu và phiên bản) để kích cầu thị trường từ cuối quý IV/2022, như Toyota khuyến mãi 15-60 triệu đồng/xe), KIA từ 5-55 triệu đồng, Mazda từ 10-99 triệu đồng, Honda 65-100 triệu đồng… nhưng tình hình bán hàng chưa có dấu hiệu cải thiện và tiếp tục suy giảm nghiêm trọng trong đầu năm 2023.
Chia sẻ thực tế này, ông Lê Ngọc Đức, Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Công nhận xét, tháng 1/2023 đã ghi nhận sản lượng xe du lịch tiêu thụ toàn thị trường giảm khoảng 64% so với cùng kỳ năm 2022. Sức mua thị trường sụt giảm nhanh ngoài dự báo khiến tồn kho tại showroom và nhà máy sản xuất ở mức đáng báo động.
“Trong ngắn hạn, nếu sức mua không được cải thiện và thị trường không tăng trưởng trở lại, để giảm áp lực tồn kho, các nhà sản xuất sẽ không thể duy trì nhịp sản xuất ổn định và buộc phải giảm công suất và nhân công, điều này sẽ tác động trực tiếp tới tình hình lao động - việc làm, từ đó ảnh hưởng tới an sinh xã hội”, ông Đức nói.
Theo phân tích của ông Lê Ngọc Đức, nếu tình hình bán hàng vẫn tiếp diễn như thời gian đầu của năm 2023 thì doanh số toàn thị trường trong năm nay có thể sụt giảm xấp xỉ 17,5% so với 2022, tương đương với hơn 85.500 xe, bao gồm cả xe du lịch và thương mại.
Nhìn xa hơn, việc sụt giảm doanh số trong năm 2023 sẽ kéo theo tốc độ “ô tô hóa” tại Việt Nam chậm lại so với dự kiến. Thị trường xe ô tô (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) có nguy cơ mất 37% sản lượng bán ra trong 5 năm tới , tương đương khoảng 1,8 triệu xe.
Nếu điều này xảy ra, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, mục tiêu xuất khẩu khoảng 90.000 xe và thu được10 tỷ USD giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035 (như nêu tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển Ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam năm 2025, tầm nhìn đến 2035) sẽ không thể đạt được, nếu không có những chính sách thúc đẩy kịp thời trong giai đoạn ngắn hạn 2023, trung hạn 2027 và dài hạn đến năm 2035.
Trước đó khi trình bày dự án phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam, TS. Yasushi Ueki, đại diện của tổ chức IDE-JETRO cho rằng, quy mô thị trường xe hơi tại Việt Nam có thể đạt 1 triệu xe/năm vào năm 2030, như vậy, thị trường của Việt Nam đã “đủ lớn” để phát triển công nghiệp sản xuất xe hơi.
Dẫu vậy, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM cũng cho rằng, thách thức của phát triển công nghiệp ô tô hiện nay ở Việt Nam là vừa phải tạo dựng một nền tảng “truyền thống” của riêng mình lại vừa phải phát huy, bắt nhịp với cái mới. Đây là bài toán mà các cơ quan xây dựng chính sách cần lưu ý.
Trên thực tế, tính chung cả năm 2022, thị trường ô tô đã có sự tăng trưởng tốt và đạt qua mốc 500.000 xe để thoát khỏi mác “thị trường nhỏ”.
Tuy nhiên, kết quả này có được là nhờ công lớn của lực đẩy từ chương trình hỗ trợ 50% phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước, được thực hiện từ tháng 12/2021 và kéo dài tới hết tháng 5/2022. Nhờ vậy đã kịp thời giúp chặn đà suy giảm doanh số bán hàng tại Việt Nam trong tình hình khó khăn của dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong lần áp dụng trước đó từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/202, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho các doanh nghiệp ô tô cũng kịp thời giúp các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam vượt qua khó khăn. Đồng thời giúp thu ngân sách của mặt hàng này giữ được đà tăng trưởng, thay vì dự báo hụt thu lớn được đưa ra trước đó khi doanh số bán hàng giảm sút mạnh vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
“Việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cho các xe sản xuất trong nước đã góp phần hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch bệnh bùng phát, cũng như nối lại chuỗi cung ứng, gia tăng sản xuất, tự đó tăng thêm nguồn lực để duy trì lực lượng lao động”, được ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) đánh giá cao.
Theo báo cáo của VAMA, sản lượng sản xuất trong nước kể từ cuối tháng 6/2020 đều tăng qua các tháng. Đặc biệt tăng trưởng mạnh mẽ vào tháng 11 và tháng 12/2020, bình quân đều trên 20% so với tháng trước.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2020 khi chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ, doanh số bán ô tô của thị trường đã giảm sút nghiêm trọng tới hơn 33% so với cùng kỳ năm liền trước.
Sản lượng xe ô tô du lịch tiêu thụ toàn thị trường đạt 111.804 xe, tức là bình quân 18.634 xe/tháng.
Tuy nhiên trong nửa cuối 2020, khi thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ, mức tiêu thụ xe du lịch đã đạt 214.261 xe, bình quân là 26.602 xe/tháng.
Thị trường ô tô 6 tháng đầu năm 2021 lại giảm sút sau khi hết ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ.
Cũng từ tháng 4 đến tháng 10/2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trở lại khiến cho thị trường ô tô cũng gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, đóng cửa các showroom bán hàng để ứng phó với dịch bệnh khiến doanh số bán hàng giảm mạnh.
Tháng 1/2021, doanh số bán xe du lịch còn 28.656 xe, giảm tới 25.006 xe so với tháng 12/2020- là tháng cuối cùng áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ. Tiếp đó tháng 2/2021, doanh số bán xe du lịch chỉ còn 14.513 xe.
Bình quân doanh số bán xe du lịch trong quý II/2021 chỉ đạt 20.869 xe/tháng, và tới quý III bình quân chỉ đạt 11.573 xe/tháng. Thậm chí, tháng 8/2021 chỉ bán được 8.067 xe.
Tuy nhiên trong nửa đầu năm 2022, nhờ được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ với xe sản xuất trong nước, doanh số bán xe du lịch đã tăng mạnh tới 49% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Đức cũng cho hay, ở thời điểm tháng 12/2021, nếu không được áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, thị trường đã có thể mất khoảng 35% lượng xe bán ra, tương đương 15.000 xe chỉ riêng tháng này.
Theo các chuyên gia, từ thực tế các lẫn triển khai các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ mà cụ thể trong ngành ô tô là giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất xe trong nước thị trường ô tô trong nước phục hồi, tác động tích cực tới duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
“Thực tiễn của các năm 2020 - 2022 đã chứng minh vai trò của chính sách hỗ trợ với doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp ô tô”, ông Đào Phan Long nhìn nhận.
Trước việc tổng cầu suy giảm như hiện nay, chính sách hỗ trợ với ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ được cho là sẽ có tác dụng kích cầu và tạo yếu tố lan toả rõ rệt cho thị trường, giữ nhịp sản xuất.
“Trong thực tế hiện nay, các đòn bẩy với ngành ô tô cần được ban hành ngay từ quý I/2023. Cạnh đó, chính sách dù là thiết thực cũng cần một thời gian đủ dài để thực sự ngấm và đi sâu vào thực tế mới phát huy hết vai trò hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trụ vững những lúc khó khăn, giữ công ăn việc làm cho người lao động”, ông Đào Phan Long nhận xét.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm