Thị trường hàng hóa
Cùng với chứng khoán, vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm, USD được coi là một trong những kênh đầu tư truyền thống nhất. Trong năm Nhâm Dần 2022, nhiều thời điểm, USD tăng phi mã và trở thành “hầm trú ẩn” an toàn.
Tuy nhiên, năm Nhâm Dần 2022 cho thấy gửi tiết kiệm hóa ra lại là kênh mang lại lợi nhuận cao nhất và an toàn nhất.
Trở thành “hầm trú ẩn”
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023 tổ chức 11/1/2023, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước đánh giá có thời điểm đồng USD trở thành “hầm trú ẩn” cho các nhà đầu tư.
Nguyên nhân là do thế giới đã đối mặt với lạm phát cao nhất 40 năm trở lại đây, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới phải nhanh chóng chuyển hướng từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ không giới hạn trong giai đoạn covid năm 2020, 2021 sang thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh, khiến mặt bằng lãi suất thế giới tăng cao.
Theo ông Phạm Chí Quang, thông thường FED điều chỉnh 0,25% mỗi lần tăng hoặc giảm lãi suất chính sách, nhưng trong năm 2022, FED đã tăng 4 lần lãi suất với mức 0,75% mỗi lần tức là tăng gấp 3 lần mức thông thường.
Bối cảnh đó đã tạo nên một mặt bằng lãi suất toàn cầu rất cao, làm cho đồng USD tăng ở mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Cuối tháng 9, chỉ số đô la (DXY) đã lên mức 115, tức là tăng 21% so với đầu năm 2022, tạo áp lực rất lớn lên việc điều hành chính sách tiền tệ không chỉ ở Việt Nam mà của các nước đang phát triển và những nước mới nổi.
“Trong bối cảnh đó, đồng USD trở thành ‘hầm trú ẩn’ cho các nhà đầu tư, dòng tiền chảy ra khỏi các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển”, ông Phạm Chí Quang nhận định.
Lợi nhuận thua gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng
Sức nóng của đồng USD trên toàn thế giới nhanh chóng lan sang Việt Nam. Hồi cuối năm 2022, đồng USD đã có thời điểm tăng nóng, vượt mốc 25.000 đồng/USD trên thị trường ngân hàng và 26.000 đồng/USD trên thị trường tự do.
Trước bối cảnh đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện đồng thời các giải pháp cấp bách như: tăng biên độ giao dịch của tỷ giá và cho phép tiền đồng biến động linh hoạt hơn như đề cập ở trên; sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp; tăng 1% các mức lãi suất điều hành; hỗ trợ thanh khoản và đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Nhờ những biện pháp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, đóng cửa năm Nhâm Dần 2022, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng giao dịch phổ biến ở mức 23.250 đồng/USD - 23.620 đồng/USD, chỉ còn tăng 3,7% so với cuối năm Tân Sửu 2021.
Trên thị trường tự do, đồng bạc xanh cũng hạ nhiệt nhanh chóng, giao dịch phổ biến ở mức 23.510 đồng và bán ra 23.590 đồng, thậm chí còn thấp hơn cả thị trường ngân hàng.
Trong khi chứng khoán giảm 25,1%; bất động sản “đóng băng”, có nơi chiết khấu từ 30% tới 50% thì vàng và USD sinh lời nhưng tỷ suất rất thấp. Giá trị vàng mang lại là hơn 8%, thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm. Lợi nhuận USD sinh ra còn thấp hơn, chỉ là 3,7%, thấp hơn con số 6% lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng thương mại.
Đóng góp một phần không nhỏ khiến đồng USD trở nên ổn định hơn đó là tâm lý nhà đầu tư. Nếu trước đây, mỗi khi có biến động lớn về giá, giới đầu tư thường xếp hàng mua vàng, mua ngoại tệ. Thế nhưng, trong vài năm gần đây, hiện tượng này đã không còn. Tình trạng găm giữ đô la đã giảm mạnh.
Áp lực lãi suất, tỷ giá sẽ giảm trong năm 2023
Bước sang năm 2023, khả năng sinh lời của đồng đô la Mỹ có thể còn hạn chế hơn khi mà các chuyên gia kinh tế dự báo áp lực lãi suất, tỷ giá sẽ giảm trong năm 2023.
Cụ thể, Công ty chứng khoán Vndirect cho rằng áp lực đối với cả lãi suất và ngoại hối có thể kéo dài đến quý 2/2023, sau đó sẽ giảm bớt đáng kể sau chính sách tiền tệ trung lập hơn của FED.
“Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023 do FED giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2023 và chỉ số đồng USD có xu hướng giảm (một số tổ chức nghiên cứu hàng đầu dự báo DXY sẽ ở mức 103 - 106 trong năm 2023) và lạm phát trong nước tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát”, Vndirect dự báo.
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm, theo Vndirect, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét chuyển mục tiêu sang ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023.
Vndirect kỳ vọng áp lực lên VND sẽ giảm đáng kể kể từ quý 2/2023. Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ giao dịch trong khoảng 23.500-24.000 đồng USD (tăng khoảng 1,5% so với mức hiện tại) vào cuối năm 2023 do FED chuyển từ "chính sách thắt chặt tiền tệ" sang "bình thường hóa" trong thời gian tới
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng không thể loại trừ rủi ro FED sẽ thắt chặt tiền tệ mạnh hơn và lâu hơn so với kỳ vọng của thị trường nếu lạm phát hạ nhiệt không như kỳ vọng của FED (do xung đột Nga - Ukraine leo thang, khủng hoảng lương thực, gián đoạn chuỗi cung ứng). Nếu điều đó xảy ra, tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam có thể chịu nhiều áp lực hơn so với kỳ vọng của chúng tôi vào năm 2023”, Vndirect nhấn mạnh rằng đồng USD vẫn có cơ hội mạnh lên rất nhiều.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm