Thị trường hàng hóa
Sáng 29/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương công bố, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước.
IIP tháng 3 ước tính tăng 9,4% so với tháng trước và giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, IIP giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước (tháng 1 giảm 11,1%; tháng 2 tăng 7,2%; ước tháng 3 giảm 1,7%), thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,8% của cùng kỳ năm 2022 và mức tăng 5,7% của cùng kỳ 2021.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước (quý I các năm 2022, 2021 tăng lần lượt là: 7,3%; 8%), làm giảm 1,6 điểm phần trăm mức tăng chung; ngành khai khoáng giảm 4,4%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 1,5%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,8%, đóng góp 0,13 điểm phần trăm mức tăng chung.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước, như: ô tô giảm 17,8%; thép thanh, thép góc giảm 15,8%; xe máy giảm 13,8%; linh kiện điện thoại giảm 13,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên và điện thoại di động cùng giảm 13,1%; quần áo mặc thường giảm 10,2%; xi măng giảm 9,9%; phân Urê giảm 6,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 6,1%.
Đặc biệt, hai thành phố có quy mô công nghiệp lớn giảm và tăng ở mức thấp: TP. Hồ Chí Minh giảm 0,9%; Hà Nội tăng 0,8%; có 3/4 số ngành công nghiệp cấp 1 quan trọng đều giảm so với kỳ năm trước. Ngành chế biến, chế tạo (ngành chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp, quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế) quý I năm nay giảm 2,4% so cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm trước tăng ở mức cao 7,3%.
Đại diện Tổng cục Thống kê, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng đã lý giải hiện tượng IIP quý đầu năm 2023 giảm tốc.
Theo đó, trong quý I/2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát ở các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; trong nước, đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.
"Những khó khăn bên ngoài ngày càng rõ ràng; kinh tế toàn cầu suy giảm, chi phí đầu vào tăng, lãi suất tăng, USD lên giá, cầu tiêu dùng suy giảm. Vì vậy, ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng chung, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo", bà Nga lý giải.
Phân tích sâu hơn, bà Nga cho biết, một số nguyên nhân làm cho sản xuất công nghiệp giảm tốc độ tăng trưởng trong quý IV/2022 và giảm trong quý I/2023.
Tình hình thế giới biến động khó lường đã ảnh hưởng đến trong nước, chi phí đầu vào đang tạo sức ép lên hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. "Nguyên nhân của vấn đề này đến từ các yếu tố bên ngoài như giá nhiên liệu thế giới bị đẩy lên, lạm phát tăng cao vẫn còn hiện hữu trên thế giới, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng đầu vào. Kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất của Việt Nam khi cả số lượng đơn hàng mới và xuất khẩu đều giảm", bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, các yếu tố này làm cho cầu nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thu hẹp. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng lên, lãi suất tăng, doanh thu giảm khiến các doanh nghiệp phải giảm quy mô hoạt động. Các động lực tăng trưởng đều suy giảm: xuất khẩu suy giảm, nhu cầu suy giảm, đầu tư tư nhân suy giảm, giải ngân đầu tư công chậm... Chính phủ ưu tiên chống lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi vay tăng cao.
Các doanh nghiệp có cố gắng đa dạng hoá, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, nhưng nhìn chung vẫn khó khăn khi kinh tế thế giới suy giảm. Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí sản xuất tăng cao phải đứng trước tính toán thu hẹp quy mô, cắt giảm hàng loạt lao động hoặc giãn việc làm.
Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân, đại diện Tổng cục Thống kê cũng đề xuất một số giải pháp chủ yếu, nhằm hỗ trợ sản xuất công nghiệp, tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất.
"Do giá dầu thô, khí đốt trên thế giới tăng cao, chi phí logicstic tăng và nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tăng, do vậy doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các cấp, các ngành hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh", bà Nga nói.
Cùng với đó cần có giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, hạ lãi suất cho vay.
Chính phủ, các cấp, các ngành cần thúc đẩy giải ngân các gói cứu trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi thuận lợi, nhanh chóng.
"Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp công nghiệp trong thời kỳ lạm phát ở các nước tăng cao, suy thoái kinh tế diễn ra là thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp và giảm sút (đặc biệt là xuất khẩu). Vì vậy, doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các cấp, các ngành hỗ trợ họ tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu…", bà Nga nhấn mạnh.
Về lao động, theo bà Nga, chính sách hỗ trợ cho người lao động cần rõ ràng, giảm bớt thủ tục, hướng dẫn cụ thể, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, hỗ trợ các nguồn tín dụng để doanh nghiệp trả lương cho người lao động đối với doanh nghiệp gặp khó khăn.
"Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải ngân nhanh vốn đầu tư công, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là ngành xây dựng, công nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế", bà Nga nêu giải pháp.
Ngoài ra, cần gia tăng hiệu quả trong ngăn chặn hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác trong các doanh nghiệp.
"Cũng cần tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng trong nước, kích cầu tiêu thụ trong nước, người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam", đại diện Tổng cục Thống kê đề xuất thêm./.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm